Đà Nẵng: Thêm gần 100 người nhập viện liên quan vụ ngộ độc thực phẩm ở Hòa Vang
Đã có thêm 97 người phải nhập viện, nâng tổng số trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vụ việc tại huyện Hòa Vang được các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng tiếp nhận, xử trí, điều trị lên 230 người.
Sáng 11/5, dược sĩ Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho hay đã lấy mẫu gửi Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest2, đóng tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng, thuộc Tổng cục Đo lường chất lượng – Bộ KH&CN) để xét nghiệm xác định chính xác nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt tại huyện Hòa Vang.
Trong số 230 trường hợp liên quan vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Hòa Vang ngày 7/5, đã có 32 trường hợp chuyển vào BV Đà Nẵng cấp cứu, điều trị (Ảnh: HC) |
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, từ chiều 7/5 đến sáng 8/5, đã có 133 người trên địa bàn các xã Hòa Phong, Hòa Khương và Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, đau đầu, buồn nôn, nôn, đại tiện lỏng nhiều lần. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân nghi ngờ gây ngộ độc là các món ăn chay tự chế biến tại các hộ gia đình, với các nguyên liệu được mua từ chợ Túy Loan.
Không dừng ở đó, theo cập nhật của Sở Y tế Đà Nẵng sáng 11/5, từ ngày 8/5 đến nay tiếp tục có thêm 97 trường hợp phải nhập viện, nâng tổng số lên 230 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vụ việc tại huyện Hòa Vang được các bệnh viện (BV) trên địa bàn Đà Nẵng tiếp nhận, xử trí, điều trị.
Trong đó có 32 ca chuyển vào BV Đà Nẵng (14 ca điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc); 5 ca chuyển vào BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng (3 ca điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc); 173 ca điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và 20 ca điều trị tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ.
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, các bệnh nhân đã được điều trị ổn định, chưa có ca bệnh chuyển biến nặng. Trong đó có 100 trường hợp đã được xuất viện; còn lại 130 trường hợp đang điều trị, trong đó có 17 trường hợp được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng cũng cho biết, Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ đạo các BV, Trung tâm Y tế tập trung nhân lực điều trị cho các bệnh nhân. Đồng thời phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TP và các cơ quan chức năng cung cấp thông tin liên quan phục vụ công tác điều tra làm rõ nguyên nhân
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cũng được Sở Y tế chỉ đạo phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm trong công tác xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Trao đổi với Infonet sáng 11/5, dược sĩ Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết thêm, việc lấy mẫu gửi xét nghiệm đã được thực hiện ngay trong ngày 8/5, tuy nhiên do phải nuôi cấy vi sinh mới có thể tiến hành xét nghiệm nên thời gian hơi lâu. Dự kiến ngày mai 12/5 mới có kết quả xét nghiệm.
“Nuôi cấy vi sinh thì phải 5 ngày mới mọc, từ đó mới định danh rồi mới xác định nguyên nhân gây ngộ độc được. Sau khi có kết quả xét nghiệm, Ban An toàn thực phẩm TP sẽ họp Hội đồng chuyên môn, sau đó sẽ thông báo chính thức nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm cho công luận và người dân được biết để phòng ngừa!” – Dược sĩ Nguyễn Tấn Hải nói.
Hải Châu