Khoảnh khắc thoải mái của các nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị G7 tại Anh
Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có 6 phiên thảo luận chung trong 3 ngày diễn ra hội nghị từ ngày 11-13/6 ở Cornwall (Anh).
Theo đó, có 3 phiên thảo luận liên quan đến việc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 và cách giúp thế giới an toàn hơn. Nội dung các phiên thảo luận còn lại gồm chính sách đối ngoại, khí hậu và tự nhiên, các xã hội cởi mở.
Đây là hội nghị thượng đỉnh diễn ra trực tiếp đầu tiên trong gần 2 năm của nhóm này kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trong gần 2 năm qua.
Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới với sự lây lan của nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn, có khả năng lây nhiễm cao hơn trong khi tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới lại không đồng đều.
Kế hoạch phục hồi sau đại dịch được cho là sẽ chi phối các cuộc thảo luận. Bên cạnh đó, các thành viên nhóm G7 đã cam kết chia sẻ ít nhất 1 tỉ liều vắc-xin cho phần còn lại của thế giới, trong đó có 500 triệu liều của Mỹ theo cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden và 100 triệu liều của Anh.
Nhật Bản, Pháp và Đức trước đó đã cam kết mỗi nước sẽ chia sẻ 30 triệu liều vắc-xin, trong khi Italy chỉ hứa hẹn 15 triệu liều. Theo các nguồn tin, Canada đang trong quá trình đàm phán chia sẻ vắc-xin thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên chưa rõ số liều cam kết.
Bốn tổ chức phụ trách huy động vốn, mua, cung cấp và phân phối vắc xin, gồm: Tổ chức Y tế thế giới, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về vắc xin (GAVI) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cuối tháng trước từng cảnh cáo sẽ không chỉ thiếu 190 triệu liều vắc-xin trong tháng 6 này mà còn thiếu cho tới cuối năm.
Việc G7 cam kết chia sẻ 1 tỉ liều vắc-xin là một tín hiệu tích cực nhưng chưa đủ để chấm dứt đại dịch vào năm 2022 như ông Johnson tuyên bố. Một trong những điều cần sự ủng hộ của nhóm này là tạm dừng việc bảo vệ bản quyền vắc-xin Covid-19, để tăng tốc độ sản xuất và tiêm chủng nhằm đối phó với các biến thể virus corona mới.
Trong số các nước G7, Đức và Anh từ chối việc từ bỏ bản quyền, Italy và Mỹ ủng hộ có giới hạn, trong khi Canada và Nhật Bản tiếp tục giữ lập trường mơ hồ. Trước đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi “cởi mở về sở hữu trí tuệ” vắc-xin Covid-19 và thúc giục các nước khác trong G7 tham gia.
Dưới đây là khoảnh khắc các nhà lãnh đạo G7 tay bắt mặt mừng tại Anh:
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson vui vẻ chạm khuỷu tay. |
Bà Carrie lần đầu xuất hiện với tư cách Đệ nhất phu nhân Anh. |
Hai Đệ nhất phu nhân Anh và Mỹ vui vẻ trên bãi biển. |
Thủ tướng Canada và người đồng cấp Anh 'tay bắt mặt mừng'. |
Vợ chồng Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh rạng rỡ. |
Khoảnh khắc hài hước của phu nhân Thủ tướng Anh và Thủ tướng Canada Trudeau. |
Các nhà lãnh đạo G7 chụp ảnh 'gia đình'. |
Tổng thống Mỹ Joe Biden trò chuyện thân mật với Tổng thống Pháp. |
Các nhà lãnh đạo G7 vui vẻ trò chuyện bên bãi biển. |
Không rõ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Johnson đang chỉ cái gì vậy? |
Thanh Bình (lược dịch)