Khóa đào tạo hợp tác đầu tiên nghề “Kỹ thuật viên thoát nước và xử lý nước thải”
Thứ Trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, việc xây dựng và mở rộng hạ tầng xử lý nước thải hoạt động lâu dài là một trong những lĩnh vực hạt nhân của nền kinh tế bền vững. Bởi vậy đào tạo kỹ thật cấp thoát nước là nhu cầu rất thiết thực
Dự án đào tạo thí điểm nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải“ được khởi động với sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Xây dựng với các đối tác khác như trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, Hội Cấp thoát Nước Việt Nam (VWSA), các công ty thoát nước tại TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Bình Dương và Khánh Hòa.
Đây là khóa học đầu tiên có sự kết hợp chương trình giảng dạy giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trong 3 năm học, các học viên sẽ có 40 tuần trực tiếp học, tham gia vận hành, thao tác tại doanh nghiệp dưới sự hướng dẫn của đội ngũ kỹ thuật đã được đào tạo thành giảng viên của chính các doanh nghiệp đó.
Ông Gunther Adler, Quốc vụ khanh Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Liên bang Đức cho biết, trong vòng 3 năm, 20 cử nhân nhân được đào tạo đầu tiên này sẽ được giảng dạy theo chương trình kết hợp giữa các tiêu chuẩn nghề của Đức và Việt Nam, sau khi tốt nghiệp, ngoài chứng chỉ của Việt Nam, sinh viên cón có cơ hội tham gia thi lấy chứng chỉ của Đức.
PGS.TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho biết, chương trình này xuất phát từ thực tế nhu cầu cấp thiết về kỹ thuật viên thoát nước và xử lý nước thải của Việt Nam. Điểm khác biệt lớn nhất của chương trình chính là sự tham gia của các doanh nghiệp vào các modun giảng dạy, rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam nhấn mạnh, hạ tầng xử lý nước thải của Việt Nam hiện chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Các đơn vị làm thoát nước hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu vào công tác quản lý thoát nước chứ chưa quan tâm nhiều đến xử lý nước thải, vì thế, nhu cầu nhân lực cho ngành này là vô cùng cần thiết.
Theo bà Phan Hoàng Mai, Trưởng hợp phần Đào tạo nghề cho lĩnh vực xử lý nước thải, Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam, mặc dù đây là khóa thí điểm đầu tiên nhưng đã có nhiều doanh nghiệp thoát nước “đặt hàng” và đã có khoảng ½ số sinh viên được các doanh nghiệp cam kết sẽ bố trí công việc ngay sau khi tốt nghiệp.