Khó xây chợ chuẩn
Xét về tổng thể, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, chợ là nơi trao đổi, buôn bán làm ăn, nơi bao tiêu sẩn phẩm cho nhân dân ngay trong xã mình trước. Thế nhưng hiện nay, việc xây chợ nông thôn đang là việc nan giải với nhiều cơ sở, bởi do mấy nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, do gặp khó khăn về quỹ đất, muốn xây chợ phải có không gian rộng, là trung tâm giao lưu giữa các thôn, xóm trong xã, điều kiện giao thông thuận lợi… Tất cả các tiêu chuẩn trên bây giờ không dễ khi mà đất đai đã nằm trong quy hoạch trước đây, đã có chủ sử dụng, muốn xây chợ phải làm công tác giải phóng mặt bằng, phải đền bù. Đây là vấn đề vượt quá khả năng của các xã, bởi những nơi thị tứ, nơi trung tâm… đất đai thường rất đắt đỏ, lấy đâu tiền để đền bù, chẳng nhẽ lại huy động dân góp?
Thứ hai, chợ phải phù hợp với tâm lý, nguyện vọng của nhân dân, đây là điều phải hết sức quan tâm. Khi nhân dân có nguyện vọng trao đổi hàng hóa, tất yếu sinh ra chợ để trao đổi. Không ít cơ sở không nắm vững nhu cầu này cho nên cứ nghĩ rằng xây chợ lớn, gom các cửa hàng, các dịch vụ bán lẻ vào chợ, nhân dân sẽ đến trao đổi mua bán, cho nên không ít, thậm chí là rất nhiều chợ xây xong, khánh thành rất linh đình nhưng chỉ sau vài tháng chợ bỏ hoang. Trong khi vài chợ cóc ven thị tứ, trước cửa các công sở, trường học tự nhiên mọc ra, thu hút đông đúc kẻ mua, người bán.
Thứ ba, do khó khăn về kinh phí xây dựng: Nếu như trong quy hoạch xây dựng NTM một số cơ sở có kinh phí để xây chợ thì hầu hết các xã còn lại đều do nguồn huy động từ sức dân, trong khi cả 19 tiêu chí phải xây dựng, tiêu chí nào cũng đòi hỏi sự đóng góp của người dân. Từ đường giao thông, đến trạm xá, nước sạch, trường chuẩn… mà sức dân hiện nay đang rất có hạn, nên khi nêu việc xây dựng chợ, người dân sẽ không mấy mặn mà đóng góp.
Chưa nói đến tâm lý thuận tiện, tư tưởng nhỏ lẻ và nếp sống đơn giản đã ăn sâu cả ngàn đời nay trong nhân dân. Thuận đường đi làm về thấy có thì mua, ngại vào chợ, phải mất thêm thời gian, mất tiền gửi xe… cũng là lực cản việc xây chợ hiện nay.
Mặt khác, hiện nay sự giao thương, trao đổi có tính bắc cầu, xã này có hằng này, xã kia có tập quán sản xuất ra cái kia, cần trao đổi, nên chăng thành lập chợ trung tâm cụm xã. Điều mà trước đây đã hình thành nên chợ vùng, liên xã, liên huyện... để tập hợp đa dạng các mặt hàng, ai cần gì đến đây cũng có, cũng làm cho việc xây chợ riêng các xã gặp khó khăn.
Thị trường phản ảnh rõ nhất nhu cầu của nhân dân. Trước đây, trong chế độ bao cấp, hàng hóa khan hiếm, chợ xây ở đâu, dân cũng đến mua, nay cung cầu trong thị trường cân bằng, thậm chí cung lớn hơn cầu, chưa nói đến việc một số cửa hàng bán lẻ hàng hóa giao hàng tận chỗ ở người mua, cần gì "alô" sẽ có ngay, cần gì phải đến chợ….
Tất cả những yếu tố trên cần phải được xem xét kỹ trước khi xây chợ, nếu không chợ xây xong bỏ hoang là điều khó tránh khỏi.