Khi học trò trải nghiệm cảm giác... con nợ
Trẻ sẽ học được gì khi sách giáo khoa không hề có nội dung: báo nợ và xóa nợ?
Đọc bài báo Học sinh lớp 7 phải viết giấy báo nợ vì thiếu tiền gửi xe trên phunuonline, tôi ái ngại tưởng tượng ra khuôn mặt của những đứa trẻ khi mắc kẹt giữa một bên là thầy cô và nhà trường, bên kia là cha mẹ.
Bên nào cũng đưa ra cái lý của mình, nhưng có ai đặt mình vào vị trí của trẻ thơ, 14 tuổi bỗng nhiên em được trải nhiệm cảm giác... con nợ!
Tờ giấy báo nợ đang gây bão trên mạng |
Hẳn các em đã phải trải qua những ngày khổ sở khi về nhà xin tiền thì phụ huynh không cho với lý do “đóng góp tiền xây dựng mà nhà xe không sửa”; đến lớp thì thầy cô liên tục xướng tên vì chưa hoàn thành các khoản thu.
Ở độ tuổi vị thành niên, các em rất nhạy cảm với việc khen chê đánh giá của những người xung quanh, càng không muốn cả trường biết mình đang thiếu nợ. Nỗi khổ này biết nói cùng ai?
Tôi đã từng gặp một em học sinh lang thang cổng trường, nhưng nhất quyết không chịu vào lớp. Gặng hỏi thì mới hay, cha mẹ cãi nhau nên em không xin được tiền đóng học phí, vào lớp sợ cô chủ nhiệm gọi lên phòng hội đồng. Em về nhà không được, vào lớp cũng không xong.
Tôi chẳng giúp được gì hơn ngoài việc trả tiền ly nước mía cho em lúc trời gần trưa. Giờ ấy, chắc tiết sinh hoạt cuối ngày thứ Bảy đã sắp hết, cô giáo cũng không vui vì 1 học sinh vắng học không có lý do, còn phụ huynh thì thản nhiên nghĩ con đi học sắp về.
Niềm vui đến trường của con trẻ chẳng lẽ không còn vì một khoản tiền mà cha mẹ đang cân nhắc đắn đo? Nhà trường “hạ sách” trước phụ huynh nên yêu cầu học sinh viết giấy báo nợ? Trẻ sẽ học được gì khi bài học trong sách giáo khoa không hề nhắc tới nội dung: báo nợ và xóa nợ? Sự hồn nhiên của con trẻ bị lấm lem bởi chữ "tiền".
Thay vì chây ì, cha mẹ nên bỏ chút thời gian đến đóng học phí cho con em (Ảnh minh họa) |
Thật sự thông cảm với những phụ huynh có đồng lương ít ỏi lại bấp bênh. Số tiền 50 ngàn, 100 ngàn với người khác là bình thường, nhưng với họ là con số lớn. Nhà có 2, 3 đứa đi học thì các khoản đóng góp cho con là bài toán cân não, không thể giải quyết trong 1 sớm 1 chiều. Họ chủ động gặp thầy cô để xin cái hẹn “thư thư” chứ không bắt con đứng ra chịu trận, không trở thành cái tên gắn với thương hiệu “chậm nộp tiền”.
Nhưng cũng không thiếu những phụ huynh có tâm lý chây lười. Họ xem việc đóng góp như một “ân huệ” cho nhà trường, nên thích đóng khi nào thì đóng, dù kinh tế không hề eo hẹp. Suy nghĩ đó vô tình tạo cho con em một cái nhìn khác về nhà trường, về thầy cô. Có những trẻ dần xem chuyện bị nhắc nhở chậm trễ các khoản thu là chuyện bình thường và hệ lụy là tính ì trong học tập. Cũng có em lại trở nên tự ti, thu mình, không thích đến trường và cũng chẳng muốn ở nhà.
Tuổi thơ của không ít em bị ám ảnh bởi mấy chữ chữ "nợ tiền học phí". Ảnh minh hoạ |
Các khoản thu là mối bận tâm của nhà trường và phụ huynh. Cha mẹ thương con thật sự thì hãy bỏ chút thời gian đến trường nộp tiền cho con đúng thời gian quy định. Nếu có khoản thu nào chưa thỏa đáng thì thông qua hội phụ huynh kiến nghị với nhà trường. Phía các nhà trường, từng khoản thu phải cụ thể, minh bạch và hợp lý. Trường học phải là nơi gieo trồng tình yêu thương và trách nhiệm, chứ không phải là nơi có cảnh chủ nợ và con nợ.
Còn phụ huynh, xin đừng vô can, thản nhiên với nỗi khổ của con em mình.
Lâm Hoàng (Huế)
Theo www.phunuonline.com.vn