Khi Hoàng Sa vào trường học
“Tổ quốc nhìn từ biển”…
Sách giáo khoa Lịch sử Đà Nẵng gồm 2 quyển, với 7 bài rải đều từ lớp 6 - 9 cho HS bậc THCS và 4 bài dành cho HS bậc THPT. Trong đó, ở bậc THCS, các em sẽ được từ Tổng quan về TP Đà Nẵng, đến các giai đoạn lịch sử của TP, qua các thế kỉ XIV đến sau năm 1975.
Ở bậc THPT, các em học sinh được tìm hiểu nhiều hơn giai đoạn lịch sử Đà Nẵng từ thế kỉ XIX đến nay, với những cuộc đấu tranh gìn giữ, bảo vệ đất nước trong giai đoạn chống Pháp và đánh Mỹ.
Địa danh Hoàng Sa được nhắc đến xuyên suốt quá trình hình thành lịch sử Đà Nẵng, từ giai đoạn đầu mở mang bờ cõi ở thế kỉ XIV, là vùng lãnh thổ thiêng liêng của Đại Việt; qua thời kì đặt dưới sự quản lý của triều Nguyễn, thời Pháp cho đến những thăng trầm từ 1954 đến nay.
Thầy Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, chủ biên - cho biết: Ở bậc THPT, cũng sẽ chia theo phân kỳ lịch sử nhưng sẽ đi sâu hơn, với các nội dung như:
Quần đảo Hoàng Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng này xuất hiện từ thời Đại Việt trên cứ liệu lịch sử như thế nào; nhà Nguyễn bố trí quốc phòng chống quân xâm lược như thế nào; Quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn từ 1802 - 1884 thuộc nước ta, và chúng ta sẽ chứng minh được chủ quyền từ triều Nguyễn bằng những cứ liệu, bản đồ, văn bản của nhà Nguyễn.
Quần đảo Hoàng Sa từ 1884 - 1954 trực thuộc Đà Nẵng như thế nào? Từ 1954 đến nay, quần đảo Hoàng Sa trong mối quan hệ với Đà Nẵng với đất nước ta như thế nào?
Điểm đặc biệt của sách Lịch sử Đà Nẵng là vấn đề Hoàng Sa được đề cập cho đến thời điểm hiện tại, những chi tiết, dấu mốc quan trọng đều được đưa vào sách theo tiêu chí nếu là sự kiện lịch sử thì đưa vào bài học chính, còn nếu dài quá thì đưa ra phần phụ lục.
Những sự kiện như ngày 26/5/2014, tàu cá ĐNA 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam; các hoạt động chung quanh việc lên án Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam khi đưa giàn khoan 981 vào.
Những hoạt động triển lãm bằng chứng lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa… đều được các nhà biên soạn đưa vào sách. Hay như việc HĐND TP Đà Nẵng năm 2010 đã thông qua việc đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa; sự kiện ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vào tháng 4/2014 tại Vùng 3 hải quân đóng tại Đà Nẵng đều được giới thiệu đến những công dân nhỏ tuổi của thành phố biển.
Chính thống và không bị đứt đoạn
Việc đưa Hoàng Sa vào giảng dạy một cách chính thức nhất từ trước tới nay đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử ở Đà Nẵng.
Cô Nguyễn Thị Kim Minh – GV Lịch sử Trường THCS Trần Quý Cáp nhận xét: “Nội dung biên soạn phần Lịch sử Đà Nẵng có sự xâu chuỗi và chuyển tiếp từ bậc THCS lên bậc THPT rất tốt; dung lượng kiến thức phù hợp với tâm lý tiếp nhận của lứa tuổi và đặc biệt là sách đã đưa vào những vấn đề thời sự ở một mức độ hợp lý.
Chúng tôi rất mừng khi ngành GD&ĐT biên soạn và đưa vào chương trình chính khóa những nội dung có liên quan đến Hoàng Sa.
Trong bối cảnh HS có rất nhiều nguồn để tiếp cận thông tin thì nhà trường cần thiết phải cung cấp cho các em những thông tin có tính chất chính thống để những kiến thức, hiểu biết của HS về biển đảo và sự toàn vẹn về chủ quyền biển đảo cùng vấn đề liên quan đến tranh chấp trên biển Đông, đặc biệt là về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa không bị đứt đoạn”.
Trước đó, cô Kim Minh cũng đã từng biên soạn giáo án điện tử về Hoàng Sa - Trường Sa để giảng dạy cho phần giáo dục địa phương môn Lịch sử, Địa lý và sinh hoạt ngoài giờ đã được một số trường THCS trên địa bàn quận Cẩm Lệ sử dụng.
Còn theo thầy Ngô Tùng Sơn - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Hiền, trước đây, các trường học cũng đã tự biên soạn những nội dung liên quan đến biển đảo để giảng dạy phần giáo dục địa phương và các hoạt động ngoại khóa.
Tuy nhiên, độ “đậm – nhạt” thế nào còn tùy thuộc vào từng GV, từng trường. “Nhưng với việc Hội đồng Nhân dân TP chỉ đạo ngành GD&ĐT biên tập thành sách, đưa vào giảng dạy ở chương trình chính khóa thì đã có cơ sở pháp lý, tăng thêm sức mạnh để GV yên tâm giảng dạy”.
Thầy Ngô Tùng Sơn cho biết: Theo chủ trương mới, GV có thể linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn tiết dạy của các bài học trong SGK nên với tài liệu giảng dạy về Hoàng Sa, GV có thể chủ động chuyển tải đến HS nhiều hơn trước đây.
Đây cũng chính là mong muốn của những người làm sách, bởi nói như thầy Nguyễn Minh Hùng: “Cái tối thiểu nhất các em phải nhớ, phải hiểu về lịch sử của thành phố, đất nước mình ở những thời điểm quan trọng nhất.
Từ đó các em mới có được sự tự hào, niềm tin vào Tổ quốc, niềm tin vào thành phố mình. Rồi mới nói đến việc mình làm gì để bảo vệ, phát huy giá trị của cha ông đã để lại”.
Hà Nguyên/Nguồn GDTĐ