Khi hàng Việt giành lại chợ truyền thống
Nhiều mặt hàng Việt như cà phê Trung Nguyên có độ phủ cao tại các chợ truyền thống |
Buộc hàng Trung Quốc trả chỗ
Theo ghi nhận của PV tại các chợ đầu mối lớn trên địa bàn TP như chợ nông sản Thủ Đức, chợ Bình Tây, chợ An Đông tại thời điểm này cho thấy, hàng Trung Quốc gần như chỉ xuất hiện lẻ tẻ, không còn “đông như quân Nguyên” vào những tháng trước. Đặc biệt là các mặt hàng rau, củ, quả, bánh kẹo, áo ngực… thưa thớt dần.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho hay, khoảng 3 – 4 tháng trước, cứ 20 điểm bán rau, củ, quả thì có đến hơn một nửa là hàng Trung Quốc. Song đến thời điểm hiện tại, do hàng Trung Quốc ế ẩm nên tiểu thương không dám lấy hàng về nữa khiến lượng thực phẩm Trung Quốc cũng giảm mạnh hơn 60%…
Đối với các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm khô Trung Quốc giá rẻ đến thời điểm này cũng bị “ế chỏng chơ”. Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bibica cho biết: “Tiểu thương tại các chợ đầu mối lớn mới thông báo về cho công ty đặt một lượng hàng lớn, chủ yếu là dòng bánh kẹo bình dân về để bán trong mùa cao điểm Tết 2013. Lý do các tiểu thương đưa ra là họ đã từ chối hàng Trung Quốc rồi”.
Tại các chợ lẻ như Phú Lâm (Q.6), Bàu Cát (Q.Tân Bình), Cầu Đỏ (Q.Bình Thạnh), Tân Định (Q.3)… hầu hết các tiểu thương đều khẳng định, đã “cạch mặt” hàng Trung Quốc. “Chúng tôi cũng muốn nhập hàng Trung Quốc về bán lắm, vì mẫu mã vừa đẹp, giá cả thì phải chăng, nhưng giờ người tiêu dùng sợ độc hại nên cứ thấy hàng Trung Quốc là… chạy. Do đó, chúng tôi buộc lòng phải thay thế bằng hàng Việt, hàng Thái về bán dù giá có đắt hơn một chút nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận”, chị Lan Hương, tiểu thương chuyên bán mặt hàng áo ngực tại chợ Tân Định nói.
Cuộc chiến còn ở phía trước
Mặc dù hàng Việt được sự ủng hộ của tiểu thương nhưng cũng không ít người còn lo ngại về giá cả và mẫu mã những mặt hàng này. Chị Thu Minh, tiểu thương chợ Bình Triệu (Q.Thủ Đức) nói: “Nói thực, mẫu mã các sản phẩm của những doanh nghiệp mình vẫn còn đơn giản quá và không bắt mắt, giá cả lại đắt. Bởi vậy, chúng tôi rất lo ngại sẽ không thể cạnh tranh nổi với các siêu thị. Do đó, bên cạnh chất lượng và mẫu mã sản phẩm, doanh nghiệp muốn phủ rộng hàng Việt ra các chợ cũng cần quan tâm hơn nữa đến chính sách hậu mãi cho tiểu thương”.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH SX-TM nhựa Chí Thành cho hay, trước thái độ “khó tính” của người tiêu dùng, công ty sẽ đầu tư nhiều hơn cho hình ảnh, chăm chút cho đội ngũ tiếp thị, cung cách phục vụ người tiêu dùng. Đặc biệt, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn với sản phẩm của mình bằng các chương trình tư vấn, các trò chơi tìm hiểu sản phẩm, dùng thử sản phẩm… nhằm thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cũng cho rằng, các kênh phân phối truyền thống hiện nay vẫn còn sức hút đối với người tiêu dùng, nên đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt lấy lại vị thế trên sân nhà. Trong thời gian tới, BSA sẽ kêu gọi doanh nghiệp đẩy mạnh việc đưa hàng Việt vào chợ nhằm tạo sự phong phú và an toàn đối với các mặt hàng cho người tiêu dùng.
Bà Hạnh cho biết thêm, hiện độ phủ các mặt hàng của các doanh nghiệp Việt chiếm khoảng 40 – 50% tại các chợ truyền thống. Trong đó, có độ phủ cao nhất phải nói đến mặt hàng cà phê Trung Nguyên, chiếm từ 60 – 95%. Sau đó, đến các mặt hàng thực phẩm ăn uống, bánh kẹo, may mặc, đồ gia dụng… của Vissan, Bibica, Kinh Đô, Bích Chi, Thảo Hương, Vinatex, Duy Tân…