Khi chính quyền lên mạng xã hội đối thoại với người dân
Ngày 19/12/2018, Chi nhánh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng đã phối hợp cùng Facebook tổ chức hội thảo “Sử dụng mạng xã hội trong đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp”.
Chi nhánh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng đã phối hợp cùng Facebook tổ chức hội thảo “Sử dụng mạng xã hội trong đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp”. |
Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Chi nhánh VCCI Đà Nẵng: "Hiện nay, trên thế giới có 3,3 tỷ người sử dụng mạng xã hội, trong đó, Facebook có khoảng 2,1 tỷ tài khoản. Việt Nam là 1 quốc gia được xếp hạng cao trong việc sử dụng mạng xã hội với 58 triệu tài khoản Facebook, đứng thứ 7 trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng sử dụng mạng xã hội như là công cụ trong hoạt động của mình, đã xuất hiện các tài khoản Facebook như Thông tin Chính phủ, Cổng thông tin quốc gia… để cung cấp thông tin và tương tác với người dân".
Theo bà Vũ Kim Chi, Phó Trưởng ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc nhận thức được tầm quan trọng của mạng xã hội trong hoạt động tương tác với người dân và doanh nghiệp bằng việc thành lập Facebook Fanpage DDCI Quảng Ninh và đưa chỉ số đánh giá năng lực điều hành các địa phương và sở, ban, ngành của tỉnh thông qua các DDCI của Sở, ban, ngành địa phương.
Tuy nhiên, cho rằng đây là một lĩnh vực còn mới mẻ, quá trình triển khai các cơ quan ban ngành, địa phương của tỉnh phải vừa làm vừa học hỏi và rút kinh nghiệm, bà Chi mong muốn hội thảo sẽ là cơ hội hữu ích để các địa phương trao đổi, chia sẻ cách làm trong ứng dụng CNTT, ứng dụng mạng xã hội trong đối thoại với người dân, doanh nghiệp, góp phần cải cách hành chính mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng chia sẻ: "Đà Nẵng có 1 triệu dân nhưng có đến 700.000 tài khoản Facebook, 600.000 tài khoản Zalo, vì vậy, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tận dụng lợi thế về số lượng tài khoản mạng xã hội để làm công cụ tương tác với người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, UBND thành phố Đà Nẵng đều tổ chức đối thoại trực tuyến với người dân và doanh nghiệp hàng quý qua Cổng thông tin điện tử Thành phố Đà Nẵng (Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng có tài khoản Facebook). Đến nay, đã thực hiện 30 chương trình đối thoại với hơn 1000 câu hỏi được lãnh đạo thành phố, cũng như các Sở ban ngành trả lời cho doanh nghiệp. Một số nội dung đối thoại có lượng truy cập lớn như chương trình hội đồng nhân dân với cử tri, chương trình về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế…".
Theo bà Phượng, Tổng đài dịch vụ công 1022 sử dụng các tài khoản cùa mạng xã hội để làm kênh cung cấp thông tin cũng như là kênh thu nhận ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp qua Facebook Fanpage là "Góp ý Đà Nẵng". Trang Quản lý đô thị Đà Nẵng tiện nghi xanh - sạch - đẹp do một số cán bộ, công chức lập ra và điều hành với hơn 80.000 thành viên cũng là một trong những kênh thông tin hiệu quả giúp cho việc điều hành và điều chỉnh các chính sách kinh tế, xã hội của Chính quyền thành phố Đà Nẵng.
Tổng đài dịch vụ công 1022 sử dụng các tài khoản cùa mạng xã hội để làm kênh cung cấp thông tin cũng như là kênh thu nhận ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp qua Fanpage "Góp ý Đà Nẵng". |
Phát biểu tại hội thảo, ông Noudhy Valdryno, Quản lý cao cấp của Công ty Facebook Khu vực Châu Á Thái Bình Dương khẳng định tính cấp thiết và hiệu quả của Facebook trong đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Theo ông Noudhy Valdryno, trên thế giới có khoảng 2,2 tỷ người sử dụng Facebook mỗi tháng; 1,4 tỷ người sử dụng hàng ngày. Riêng khu vực Đông Nam Á có khoảng 378 triệu người truy cập Facebook hàng háng. Hiện tại đã có 91% chính phủ các nước trên thế giới sử dụng Facebook chính thức để tương tác với người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Facebook đã thống kê và cho biết mỗi ngày có khoảng 42 triệu người sử dụng tại Việt Nam. Đặc biệt, số người sử dụng tích cực mạng xã hội Facebook là 62 triệu người/tháng. Với số lượng lớn và thường xuyên như vậy, nếu Chính phủ và chính quyền các địa phương thông qua những chính sách cởi mở, thân thiện và bảo mật hơn có thể tận dụng được mạng xã hội Facebook để tranh thủ được sự ủng hộ cũng như việc định hướng thông tin.
Tại hội thảo, đại diện một số tỉnh, thành khác chia sẻ việc đã sử dụng mạng xã hội Facebook để tương tác với doanh nghiệp và người dân. Nhưng nếu muốn thành công thì chính quyền của các địa phương phải chạy đua để giành bạn đọc với các trang mạng khác, để định hướng và chia sẻ thông tin chính thức.
Đồng thời, các đại biểu chỉ ra nếu chỉ lập trang mạng xã hội để xem dư luận nói gì mà không tương tác và xử lý bức xúc, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân thì cộng đồng sẽ rời xa và không phát huy được hiệu quả của việc sử dụng mạng xã hội trong tương tác, đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp.