Khi châu Âu dần nới lỏng phong tỏa, Nga lại thành 'điểm nóng' Covid-19 mới
Với việc liên tiếp ghi nhận số ca mới mắc Covid-19 phá kỷ lục theo ngày, Nga đã vượt Đức và Pháp trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới về số người nhiễm virus corona chủng mới.
Nhịp sống trở lại tại hai quốc gia từng là 'điểm nóng' Covid-19
Nhịp sống thường ngày của người dân Tây Ban Nha và Hàn Quốc, hai quốc gia từng là "điểm nóng" Covid-19, đang dần trở lại song vẫn rất cẩn trọng.
Theo Guardian, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu dần nới lỏng lệnh giới nghiêm, Nga lại trở thành "điểm nóng" mới của đại dịch Covid-19 tại châu Âu.
Cụ thể, tại Nga, hơn một nửa trong tổng số 177.160 ca mắc Covid-19 tập trung ở thủ đô Moscow. Theo Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin, trên thực tế, số người mắc Covid-19 cao gấp 3 lần so với con số được chính quyền thống kê và rơi vào khoảng 300.000 người.
Nga trở thành "điểm nóng" mới Covid-19 khi số ca mới mắc bệnh phá kỷ lục theo ngày. (Ảnh: CNN) |
Cũng theo ông Sobyanin, một quan chức thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, số ca mới mắc Covid-19 gia tăng trong thời gian gần đây là do Nga tăng cường làm xét nghiệm.
Nhiều người còn chỉ trích rằng, số liệu 1.625 người đã chết vì mắc Covid-19 như chính phủ Nga công bố là không đúng bởi còn rất nhiều người chết do nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp nhưng vẫn chưa được tính vào tổng số ca vong vì Covid-19. Song chính phủ Nga cho hay do dịch Covid-19 bùng phát tại Nga muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới, nên chính quyền có thời gian để chuẩn bị tốt hơn nhằm giảm thiểu số ca tử vong vì dịch bệnh.
Nhằm đối phó với số người mắc Covid-19 tăng nhanh, chính quyền Moscow đã quyết định cho xây dựng các bệnh viện dã chiến để phục vụ điều trị bao gồm một bệnh viện nằm ngay tại Trung tâm triển lãm quốc gia VDNKh.
Bệnh viện ở VDNKh có sức chứa 1.800 bệnh nhân, trong khi các bệnh viện dã chiến khác ở Moscow sẽ điều trị cho từ 1.200 – 4.000 người. Những bệnh viện này được xây dựng trong vòng 20 ngày và được trang bị thiết bị trợ thở.
Trong khi đó, Sputnik đưa tin, tại cuộc họp với Tổng thống Putin, lãnh đạo Cơ quan kiểm soát tiêu dùng Nga Anna Popova cũng đã đề xuất kế hoạch 3 giai đoạn để gỡ bỏ các lệnh cấm liên quan tới dịch Covid-19.
Cụ thể, trong giai đoạn đầu gỡ bỏ các lệnh giới hạn để ngăn Covid-19, bà Popova cho rằng, người dân bao gồm trẻ em có thể đi bộ và tập thể dục ngoài trời.
Giai đoạn thứ hai, những giới hạn trong hoạt động đi bộ tiếp tục được nới lỏng, các doanh nghiệp lớn và trường học được mở cửa trở lại.
Giai đoạn ba, các công viên và nhà trẻ được tái mở cửa hoạt động nhưng phải tuân thủ các quy định cách giãn xã hội. Ngoài ra, mọi quy định cấm đối với hoạt động kinh doanh được gỡ bỏ khi toàn bộ khách sạn và nhà hàng được mở cửa.
Theo bà Popova, việc thi hành các biện pháp ngăn chặn mối đe dọa từ dịch Covid-19 là nhằm giúp Nga kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh trong vòng 2 tháng qua cùng với việc học hỏi kinh nghiệm chống dịch từ những quốc gia khác.
Nga đã thi hành lệnh phong tỏa toàn quốc trong toàn tháng Tư và sau đó kéo dài thêm tới ngày 11/5.
Nhiều nước châu Âu dần nới lỏng phong tỏa
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho hay, Pháp sẽ gỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 11/5 như kế hoạch đã định. Theo đó, các cửa hàng kinh doanh sẽ mở cửa hoạt động trở lại, nhưng các quán cà phê và nhà hàng ăn uống vẫn phải đóng cửa.
Tuy nhiên, một số quy định khắt khe vẫn được triển khai tại 4 vùng bao gồm khu vực thủ đô Paris rộng lớn, nơi virus SARS-CoV-2 vẫn hoành hành.
Bộ trưởng Y tế Olivier Véran nhấn mạnh, sự thận trọng tối đa vẫn được giữ nguyên ở thủ đô Paris. Theo đó, làm việc tại nhà sẽ được khuyến khích, các biện pháp cách giãn xã hội vẫn được giám sát, hoạt động giao thông công cộng sẽ chỉ có giới hạn và các trường cấp 2 vẫn sẽ phải đóng cửa.
“Ngày 11/5 chưa phải là ngày trở lại cuộc sống bình thường như trước, nhưng nó sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới. Mỗi công dân Pháp cần tuân thủ quy định và có trách nhiệm”, Thủ tướng Philippe nói.
Còn tại Đức, phó Chủ tịch Viện Robert Koch, ông Lars Schaade nhận định Đức sẽ cần phải học cách sống chung với virus corona chủng mới thông qua hình thành thói quen giãn cách xã hội và giữ vệ sinh nghiêm ngặt trong cuộc sống hàng ngày.
“Sự thật là virus không thể hoàn toàn bị loại bỏ tại Đức, ít nhất là cho tới khi chúng ta có vắc-xin hoặc tìm ra phương pháp điều trị. Chúng ta cần học cách sống chung với virus trong cuộc sống hàng ngày bằng cách thay đổi hành vi để giảm nguy cơ bị lây nhiễm. Chúng ta cần học cách sống trong sự bình thường mới”, ông Schaade nói.
Tại Tây Ban Nha, Giám đốc y tế vùng Madrid đã phải từ chức, trong bối cảnh chính quyền địa phương quyết định nới lỏng các quy định phong tỏa tại khu vực vốn là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19 của cả nước.
Còn Mỹ, nền kinh tế đứng đầu thế giới, cũng đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng do dịch Covid-19. Cụ thể, hồi tuần trước, Mỹ ghi nhận thêm 3 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Con số này nâng tổng số người xin trợ cấp chính phủ trong vòng 7 tuần qua lên 33 triệu đơn.
Một thông tin khác đáng quan ngại là theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng lạm dụng thuốc và rượu trong giai đoạn phong tỏa nhiều tuần vì dịch bệnh đã khiến bạo lực gia đình tăng lên mức báo động ở nhiều quốc gia. Giám đốc WHO tại châu Âu, ông Hans Kluge cho hay tại nhiều nước như Bỉ, Bulgaria, Pháp, Ireland, Nga, Tây Ban Nha và Anh, tình trạng bạo lực gia đình cả với đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều gia tăng.
Minh Thu (lược dịch)