Khám phá 'trò chơi chiến lược' ở Bắc Cực từ góc độ của Nga
Trong những năm gần đây, các cường quốc không ngừng nâng cao địa vị của chiến lược hàng hải, vấn đề Bắc Cực ngày càng trở thành một chủ đề nóng.
Kể từ khi Chính phủ Nga cắm quốc kỳ trên sườn núi Lomonosov ở lớp vỏ lục địa đáy Bắc Băng Dương năm 2007 để tuyên bố về chủ quyền, việc khảo sát khoa học, phát triển và triển khai quân sự ở Bắc Cực đã được đẩy nhanh và điều này được chính thức công bố trên trang web của Hội nghị An ninh Quốc gia Nga vào năm 2009 với tên gọi “Chiến lược Bắc Cực”.
Sau đó, các cường quốc khác trên thế giới cũng đưa ra chiến lược Bắc Cực của riêng mình, trong đó tập trung khai thác các nguồn tài nguyên và củng cố sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực. Những điều này làm cho “cuộc chơi” ở Bắc Cực ngày càng trở nên khốc liệt.
Khu vực Bắc Cực đang từng bước được quân sự hóa. Nguồn: people.com.cn. |
Nga “đi trước đón đầu” trong chiến lược Bắc Cực
Theo quan điểm của Nga, khu vực Bắc Cực đóng vai trò là căn cứ tiền phương để răn đe chiến lược, việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga ở khu vực Bắc Cực thông qua nhiều biện pháp khác nhau sẽ đảm bảo lợi ích của Moscow.
Thứ nhất là, Nga đã triển khai hệ thống phòng không và thiết lập chế độ bay tuần tra định kỳ trên không phận Bắc Cực. Trong đó, Nga đã triển khai hệ thống radar cảnh báo sớm Voronezh-DM ở nhiều khu vực có thể phát hiện các mục tiêu trên không và vũ trụ cách xa hàng nghìn km.
Các máy bay ném bom chiến lược của Nga cũng thường xuyên tuần tra khu vực Bắc Băng Dương để liên tục răn đe các quốc gia xung quanh Bắc Cực. Ngày 30/11/2020, Nga đã hoàn thành vụ thử tên lửa vượt siêu thanh Kinzhal đầu tiên ở khu vực Bắc Cực.
Thứ hai là, Nga tăng cường triển khai các lực lượng Bắc Cực và xây dựng các tuyến hàng hải chiến lược đến khu vực này. Theo "Chính sách cơ bản về Bắc Cực của Liên bang Nga đến năm 2035", Nga hiện đã thiết lập lực lượng thông thường và hệ thống phòng thủ ven biển ở Bắc Cực. Tính đến năm 2019, Nga đã xây dựng hơn 400 cơ sở hạ tầng quân sự ở Bắc Cực.
Vào tháng 10/2020, tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân "Bắc Cực" của Nga đã đi vào hoạt động. Nga đã từng bước củng cố các lực lượng Bắc Cực của mình thông qua việc triển khai có mục tiêu, và trở thành một lực lượng quan trọng trong việc thúc đẩy hiện thực hóa chiến lược Bắc Cực, và thậm chí còn đóng vai trò trụ cột trong chiến lược khu vực địa chính trị này.
Chiến lược Bắc Cực của Nga mở ra “trò chơi” Bắc Cực
Sau khi Nga đưa ra chủ trương mở rộng lãnh thổ ở Bắc Cực, điều này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước Bắc Cực. Các nước này đều chủ động hoạch định chiến lược Bắc Cực của mình để bảo vệ lợi ích ở Bắc Cực.
Mặc dù phía Nga tuyên bố rằng Chiến lược Bắc Cực của Moscow không có ý định quân sự hóa Bắc Cực, nhưng thực tế cho thấy quân sự hóa đã trở thành xu hướng quan trọng nhất trong “trò chơi” Bắc Cực những năm gần đây và cuộc chiến tranh giành Bắc Cực đã bắt đầu.
Mỹ đưa ra Chiến lược quốc gia ở vùng Bắc Cực đầu tiên vào năm 2013, trong đó xác định nâng Chiến lược Bắc Cực lên tầm chiến lược quốc gia. Trong phiên bản mới của Chiến lược Bắc Cực năm 2019, Mỹ đã đưa ra các phương pháp chiến lược cụ thể để bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích của mình ở Bắc Cực trong "kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược" .
Năm 2020, Mỹ ban hành Chiến lược Bắc Cực của Lực lượng Không quân và Vũ trụ, nhấn mạnh việc chuẩn bị cho các hoạt động ở Bắc Cực.
Trong những năm gần đây, Mỹ tập trung xây dựng trung tâm huấn luyện Alaska, tập trung vào các hoạt động quân sự quy mô nhỏ và huấn luyện binh sĩ khả năng chiến đấu trong thời tiết lạnh giá khắc nghiệt.
Năm 2018, biên đội tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz USS Harry Truman đã lần đầu tiên tiến vào Bắc Cực sau 27 năm và tham gia cuộc tập trận quân sự "Cây đinh ba" của NATO, gửi tín hiệu rõ ràng về việc tăng cường triển khai quân sự ở Bắc Cực.
Ngoài ra, phiên bản mới của Chiến lược Bắc Cực chỉ ra rằng, sau khi Mỹ hiện đại hóa và nâng cấp hơn 50 radar triển khai ở khu vực Bắc Cực, phạm vi phát hiện của chúng có thể bao phủ toàn bộ vùng trời Bắc Mỹ, tăng cường đáng kể hiệu quả lực lượng phòng không của Mỹ ở khu vực Bắc Cực.
Vũ khí Nga triển khai ở Bắc Cực. Nguồn: people.com.cn. |
Để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình ở khu vực Bắc Cực, Canada cũng đã tăng cường đầu tư quân sự cho khu vực này. Canada đã tuần tra khu vực Bắc Cực từ năm 2001, thành lập Quân đoàn Bắc Cực, thiết lập các cảng nước sâu quân sự ở Bắc Cực, và tăng cường khả năng răn đe thông qua các cuộc tập trận quân sự như "kỳ lân biển" và "gấu Bắc Cực", để thể hiện quan điểm của mình đối với vấn đề chủ quyền Bắc Cực.
Ngoài ra, Đan Mạch, Na Uy và các quốc gia khác dù không có thực lực như Nga, Mỹ, Canada nhưng vẫn thể hiện quyết tâm và tham gia tích cực vào các vấn đề Bắc Cực. Đan Mạch đã thông qua dự thảo quốc phòng, tăng cường hiện diện quân sự ở Greenland, và thiết lập một bộ chỉ huy chung ở Bắc Cực.
Na Uy tiến hành các cuộc tập trận quân sự dựa trên bối cảnh "sự cạnh tranh lãnh thổ và tài nguyên ở Bắc Cực ngày càng gay gắt dẫn dến bùng nổ chiến tranh. Những điều này làm cho việc quân sự hóa Bắc Cực đã tăng vọt.
Vào năm 2018, Trung Quốc đã phát hành sách trắng đầu tiên về chiến lược Bắc Cực, tự tuyên bố mình là “quốc gia cận Bắc Cực” và công bố thành phần “Con đường tơ lụa vùng Cực” đầy tham vọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Thời gian qua, Greenland và Iceland là trung tâm của cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong bài phát biểu đầu tiên của mình tại cuộc họp cấp bộ trưởng 2 năm một lần của Hội đồng Bắc Cực được tổ chức ở Rovaniemi, Phần Lan, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael R. Pompeo đã gọi Bắc Cực là “một đấu trường quyền lực và cạnh tranh toàn cầu”.
Động lực của các nước, nhất là tam giác chiến lược Mỹ - Trung - Nga diễn ra như thế nào sẽ quyết định các điều khoản hòa bình và ổn định, hay xung đột và chiến tranh ở khu vực Bắc Cực.
Lính dù Nga làm được điều chưa từng có ở Bắc Cực
Nga đã chế tạo hệ thống dù “độc nhất vô nhị” trên thế giới, cho phép binh lính nhảy dù ở môi trường Bắc Cực, điều mà không một quốc gia nào làm được cho đến nay.
Đức Trí (lược dịch)