Khách Tây đi xe máy ở Việt Nam gặp tai nạn 'như cơm bữa'
Các chủ cửa hàng thuê xe là người hiểu rõ nhất những vị khách ngoại quốc của mình. Đôi khi, họ nhận lại xe trong tình trạng hư hại nặng. Còn với việc va quệt, chạy quá tốc độ hay bị xử phạt, nhiều chủ xe thừa nhận "diễn ra như cơm bữa".
Khó tránh
Nguyễn Thị Ngọc Lan, nhân viên của cửa hàng thuê xe The Extra Mile (Thảo Điền, TP.HCM), cho biết trường hợp nặng nhất là khách bị ngã gãy tay, xe nát đầu. Ngoài lần này ra, đa số cũng chỉ bị xây xước nhẹ.
Theo cô, nhiều khách nước ngoài thích đi xe máy nhưng lại không nắm rõ luật cũng như giao thông ở Việt Nam. Một số trường hợp nắm rõ nhưng vẫn chạy ẩu nên xảy ra tai nạn không đáng có.
Cùng câu chuyện tương tự, Vũ Tuấn Hùng, nhân viên của Tigit - đơn vị chủ yếu cho thuê xe phân khối lớn, chạy đường dài - cũng xác nhận khách Tây thuê xe gặp sự cố là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt với nhóm khách chạy cung đường dài, có khi tới 12 ngày, tai nạn không phải là hiếm.
Không phải cửa hàng xe nào cũng thường xuyên bảo dưỡng phương tiện. Điều này ảnh hưởng đến an toàn của du khách nước ngoài khi thuê xe ở Việt Nam. Ảnh: Anh Tú. |
"Tùy vào loại xe, chúng tôi sẽ yêu cầu khách chuẩn bị bằng lái khi nhận phương tiện. Thông thường sẽ gồm một bằng lái của nước sở tại và một bằng quốc tế nếu chạy xe phân khối lớn. Giao thông ở Việt Nam khá khác biệt. Do đó, khách thuê xe bị phạt hay tai nạn vẫn xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, bên tôi cũng chưa tiếp nhận trường hợp nào gặp vấn đề nghiêm trọng", Tuấn Hùng chia sẻ.
Bên cạnh câu chuyện giao thông, vấn đề chất lượng xe cho thuê cũng được du khách nước ngoài quan tâm. Gần đây, video một du khách nước ngoài kiểm tra kỹ lưỡng chiếc xe thuê và quay phim lại đang gây chú ý. Theo tìm hiểu của Zing, nhiều du khách nước ngoài được nhắc nhở nên xem xét chất lượng xe ở Việt Nam trước khi thuê.
Lý do là nhiều đơn vị cho thuê xe không chịu bảo dưỡng, dẫn đến tình trạng xe xuống cấp. Đôi khi, khách mới lái xe khỏi cửa đã thấy "rụng rơi" vài bộ phận, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Trao đổi với Zing, đại diện The Extra Mile và Tigit cho biết khách của mình không thường chụp ảnh hay quá lăn tăn về chất lượng xe. Theo họ, các đơn vị uy tín sẽ đảm bảo giao đến tay khách xe chất lượng tốt, được bảo dưỡng đầy đủ và hỗ trợ khách khi gặp sự cố.
Trong khi đó, thuê xe ở các cửa hàng tràn lan, không tên tuổi, khách sẽ phải đối mặt nhiều rủi ro vì xe không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, họ cũng không có các chính sách bảo hiểm nếu gặp tai nạn.
Đôi chút rắc rối không phải vấn đề
Thomas Walser, chủ blog Generation Wanderlust, có dịp ghé thăm Việt Nam hồi đầu năm 2020. Chia sẻ với Zing, anh nói mình đã đọc một blog kể về trải nghiệm phượt Hà Giang. Những gì miêu tả trong bài viết đó thực sự "đáng kinh ngạc" và đã thôi thúc Walser đến Việt Nam.
"Chúng tôi muốn đến đây và chạy xe trên cung đường này", anh nói.
Những cung đường phượt ở Việt Nam là niềm đam mê với những du khách nước ngoài. Ảnh: Generation Wanderlust. |
Trước khi tới Việt Nam, Walser đã có kinh nghiệm chạy xe máy ở Tây Ban Nha, Mỹ, Thái Lan, Myanmar, Indonesia và Campuchia. Theo đánh giá của anh, giao thông ở ngoại thành nhìn chung khá dễ chịu. Tuy nhiên, ở những thành phố lớn như Hà Nội, mọi thứ thật "điên rồ". Walser nói chưa từng thấy nơi nào có nhiều xe máy chạy suốt ngày như thế.
So với các nước châu Âu, châu Mỹ, việc thuê xe ở những nước Đông Nam Á dễ dàng hơn, không mất thời gian làm nhiều giấy tờ. Đổi lại, chất lượng xe ở các nước Đông Nam Á lại không bằng. Do đó, Walser hiểu vì sao nhiều du khách cần kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng xe khi tới Việt Nam hay Thái Lan...
"Nhìn chung, với những chặng dài như Hà Giang, chúng tôi cảm thấy khá an toàn khi thuê xe. Các đơn vị cho thuê thực sự quan tâm đến chất lượng xe và sự an toàn cho khách hàng. Ngoài ra, tôi cũng không gặp tình trạng chặt chém khi thuê xe. Sự cạnh tranh giữa các cửa hàng là rất cao", anh nói.
Leoni chia sẻ mình đã gặp một số rắc rối vì không hiểu luật giao thông. Ảnh: Leoni.lives. |
Leoni Becker, du khách Đức, cũng chia sẻ cảm giác thích thú khi chạy xe ở Việt Nam. Cô và bạn trai mình đều thuộc tuýp thích chạy xe máy du lịch. Do đó, ngay sau khi đáp chuyến bay đến TP.HCM, cả hai đã thuê 2 chiếc xe máy để bắt đầu cuộc hành trình. Họ buộc đồ đạc ở sau xe rồi chạy dọc từ Nam ra Bắc.
Cô nói mình không thể quên cảm giác được chạy xe từ Huế đến Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Con đường có núi, có rừng trùng trùng điệp điệp mang đến cảm giác hòa hợp lạ thường với thiên nhiên. Cô cũng thích Hội An. Nữ du khách nói Hội An đẹp như "trong phim hoạt hình của Disney bước ra đời thực".
Tuy nhiên, nữ du khách cũng thừa nhận do không hiểu luật giao thông, những người nước ngoài như cô đôi khi gặp rắc rối. Việc bị phạt là không thể tránh khỏi.
Micah đã ở Việt Nam 9 năm nhưng đôi khi vẫn gặp rắc rối khi chạy xe. Ảnh: Anh Tú. |
Khác với Leoni và Walser, Micah (người Mỹ) đã sống ở Việt Nam được 9 năm. Luật giao thông, văn hóa đi đường ở đây anh đều đã nắm rõ. Dù vậy, đôi lúc, Micah cũng gặp rắc rối khi chạy xe máy trên đường. Anh chia sẻ việc đi sai luật, sai đường, va chạm là điều khó tránh khỏi.
"Tôi từng bị phạt 4 lần do chạy xe sai luật. Lần đầu bị phạt là trong một lần chạy xe máy từ TP.HCM xuống Vũng Tàu. Lần đó, tôi phải nộp phạt 4 triệu đồng. Ngoài ra, tôi may mắn chưa từng gặp tai nạn giao thông nào quá nghiêm trọng hay chưa từng đâm trúng ai. Một số lần chỉ va quệt nhẹ và không ảnh hưởng gì”, Micah bày tỏ.
Theo zingnews.vn