Kết quả từ Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015
Hơn 17 triệu lao động nữ (LĐN) được tuyên truyền về học nghề, việc làm; gần 2 triệu LĐN được tư vấn học nghề, việc làm; hơn 1,3 triệu LĐN được giới thiệu việc làm; các cấp Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPNVN), cơ sở dạy nghề của HLHPNVN phối hợp với tổ chức dạy nghề để dạy nghề cho trên 1 triệu LĐN… Đây là kết quả đáng ghi nhận sau 5 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”.
Như vậy, trung bình hàng năm có 162.000 phụ nữ được học nghề, vượt 300% so với mục tiêu đề án đặt ra. Trong đó, LĐN học nghề phi nông nghiệp là 62%; LĐN học nghề nông nghiệp là 38%; LĐN thuộc diện chính sách là 1,15%, người trong diện hộ nghèo là 15,8%, cận nghèo là 6,44%, dân tộc thiểu số là 16,4%.
Hiệu quả cho thấy, tỷ lệ có việc làm của những người được học nghề đạt 81%, dưới rất nhiều hình thức: 9,14% được doanh nghiệp tuyển dụng; 75,6% tự tạo việc làm, sau khi học nghề được Hội hỗ trợ vốn; 12,64% được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 2,62% tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết.
Sự mới mẻ, sáng tạo trong hoạt động hỗ trợ tạo việc làm của Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015 là tập trung xây dựng các mô hình tạo việc làm sau học nghề dưới hình thức mô hình kinh tế hợp tác: hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết. Từ năm 2013 - 2015, Trung ương HLHPNVN đã chỉ đạo xây dựng 239 mô hình tạo việc làm ở 63 tỉnh, thành. Mô hình tập trung vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 69,87%, phi nông nghiệp chiếm 30,13%.
Mô hình tạo việc làm sau học nghề đã giải quyết việc làm cho trên 8.000 thành viên, lao động trong các hộ gia đình thành viên và khoảng 2.000 lao động ngoài mô hình. Đồng thời, mô hình đã có tác động đáng kể về tăng năng suất lao động, hiệu quả lao động, tăng tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng, góp phần ổn định chính trị xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Thông qua việc xây dựng mô hình kinh tế tập thể, không chỉ tạo sự gắn kết giữa hội viên, phụ nữ với tổ chức Hội, mà còn giúp cho đội ngũ cán bộ HLHPNVN các cấp thay đổi nhận thức, phương thức tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Nghề công tác xã hội đem lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động nữ. |
Các tỉnh, thành HLHPNVN đã ban hành Nghị quyết, chương trình thực hiện khâu đột phá “tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững”, trong đó đề ra các chỉ tiêu về dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ hàng năm do các cấp HLHPNVN, các cơ sở dạy nghề của HLHPNVN thực hiện.
Các chương trình, giáo trình được xây dựng với 136 nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp cho lao động nông thôn, trong đó các nghề cơ bản phù hợp với lao động nữ làm nghề nông nghiệp. Với phương châm quan tâm, chăm lo đối tượng phụ nữ yếu thế, Trung ương HLHPNVN chỉ đạo các tỉnh, thành triển khai thực hiện công tác dạy nghề với chỉ tiêu ít nhất 20% số lượng người trong các khóa học nghề do HLHPNVN, cơ sở dạy nghề của HLHPNVN tổ chức là phụ nữ nghèo, phụ nữ cận nghèo, phụ nữ đã được hỗ trợ vốn.
Đây chính là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015 khi tập trung hướng đến phụ nữ khó khăn, phụ nữ nghèo, phụ nữ cận nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số; giúp chị em tham gia học nghề, hành nghề, tăng thu nhập, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
Các mô hình tạo việc làm của Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015 đã thu hút 6.754 người tham gia, LĐN chiếm 85%. Trong đó, 164 người thuộc diện chính sách ưu đãi, người có công (2,4%); 1.947 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo (28,8%); 1.377 người dân tộc thiểu số (20,3%).
Trong ngành giáo dục, hàng năm, 850.000 cán bộ, giáo viên nữ dược hỗ trợ chi bồi dưỡng nghiệp vụ (100% cán bộ, giáo viên nữ). Trong đó, riêng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục đào tạo (Dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn) hỗ trợ chi bồi dưỡng nghiệp vụ cho trên 4.500 cán bộ, giáo viên nữ (đạt tỉ lệ 100%) của các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Bài viết phục vụ tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (Đề án 32)