Kết nối tiểu thương đưa hàng Việt vào chợ
Theo kết quả khảo sát tại TPHCM do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thực hiện, chợ truyền thống là kênh phân phối chiếm 70% nhu cầu mua sắm của người dân, nhưng tỷ lệ hàng Việt tại đây còn rất hạn chế trước sự cạnh tranh của các nhãn hàng đa quốc gia. Hơn nữa, người tiêu dùng ngày càng biết lựa chọn sản phẩm, quan tâm đến giá cả cũng như chất lượng sản phẩm và cả sự chăm sóc khách hàng của người bán. Sự cạnh tranh với các kênh phân phối hàng hóa hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại khiến đời sống kinh doanh của chợ ngày càng khó khăn hơn khi khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. Bản thân những người bám chợ tại đây cũng thừa nhận sự giảm sút của lượng khách hàng vào chợ so với những năm trước khi mà hệ thống các siêu thị như Metro, Coop Mart đã xuất hiện tại Long Xuyên.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết: “Dự án Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống là một chương trình dài hơi và cần phải có lộ trình và sự cam kết của các bên chứ không thể làm theo phong trào được. Trước tiên chúng tôi làm việc với các ban quản lý chợ để phối hợp với họ thực hiện các buổi tiếp sức tiểu thương những kỹ năng mềm trong giao tiếp khách hàng, trong quản lý dòng tiền, hàng tồn kho, ghi chép sổ sách một cách đơn giản. Sau đó là những dịch vụ cộng thêm – điều mà các chợ đang thiếu”.
Đã có 150 tiểu thương tham dự buổi huấn luyện kỹ năng của chuyên gia thị trường Phan Quí Tín. Tại buổi huấn luyện, chuyên gia và các tiểu thương cùng trao đổi về những bí quyết cũng như nguyên tắc giữ chân khách hàng không chỉ bằng việc quản lý tốt, trưng bày đẹp mà bằng cả những quan tâm nhỏ nhặt để xây dựng mối quan hệ lâu dài với họ.