IOM hỗ trợ doanh nghiệp xóa bỏ lao động cưỡng bức và mua bán người
Nhiều lao động di cư vô tình trở thành nạn nhân buôn bán người. Ảnh minh họa |
Đây là thông tin được đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam thông tin tại hội thảo “Trách nhiệm của doanh nghiệp trong xóa bỏ lao động cưỡng bức và mua bán người: Các quy định quốc tế và tác động đối với chuỗi cung ứng” hôm 22/12 do Tổ chức này phối hợp với Ban quản lý các KCN Đồng Nai tổ chức.
Theo đó, Hội thảo giới thiệu những xu hướng mới liên quan đến vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp trong xóa bỏ nô lệ hóa và mua bán người trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt sự chuyển đổi từ việc ‘kiểm soát thiệt hại’ sang xu hướng mới với cách tiếp cận chủ động, có trách nhiệm và hợp tác hơn của nhiều tập đoàn lớn. Hội thảo cũng thảo luận về hai điều luật chống lao động cưỡng bức mới mà doanh nghiệp cần biết: Luật về Nô lệ Hiện đại của Anh 2015 với điều khoản về ‘Minh bạch trong Chuỗi cung ứng’, và Luật về Minh bạch trong Chuỗi cung ứng của bang California, 2010, cũng như một số sáng kiến tự nguyện mới.
Tại hội thảo, IOM cũng giới thiệu chương trình ‘Trách nhiệm của doanh nghiệp trong xóa bỏ nô lệ hóa và mua bán người’ (CREST), một giải pháp sáng tạo giúp các công ty tối ưu hóa lợi ích của lao động di cư trong chuỗi cung ứng. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của hơn 30 đại diện doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Đồng Nai có mặt tại hội thảo. Các doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành luật cần hành động và thúc đẩy.
Theo IOM việc hướng đến các chuẩn mực quốc tế trong kinh doanh để nâng cao tầm cho sân chơi vì lợi ích của chính họ. Nếu không, các công ty không liêm chính sẽ tiếp tục kiếm hàng tỉ đô la lợi nhuận phi pháp nhờ tránh trả lương, trả thuế… Hàng năm trên thế giới có khoảng 51 tỉ đô la Mỹ lợi nhuận phi pháp được tạo ra từ lao động cưỡng bức, trong đó ngành sản xuất, xây dựng, mỏ và năng lượng chiếm 34 tỉ, nông nghiệp (đánh bắt và lâm nghiệp) chiếm 9 tỉ.
Doanh nghiệp đối xử tốt với người lao động, chấp hành quy định về lao động và nhân quyền thường tạo ra năng suất cao hơn, tỉ lệ nghỉ việc thấp hơn, ít tai nạn nghề nghiệp hơn và ít trường hợp công nhân bỏ làm hơn. Tương tự, các công ty có đầu tư vào chính sách tuyển dụng với các thực hành tốt, đặc biệt áp dụng mô hình ‘công ty trả phí’, thường tuyển được lao động phù hợp với công việc và có cam kết với công việc cao hơn. Điều này sẽ giúp thu hút lao động có tay nghề và có cam kết với công việc đến với công ty.
Đại diện IOM tại Việt Nam cảnh báo, mua bán người và bóc lột lao động kiểu nô lệ hiện đại vẫn đang tồn tại. Hơn nửa số 21 triệu nạn nhân bị nô lệ hóa trên thế giới tập trung tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đa số họ làm trong nền kinh tế chính thức – may mặc, nông nghiệp... Nhiều người trong số họ là lao động di cư, những người rời quê nhà để đến các thành phố lớn, các khu công nghiệp và ra nước ngoài tìm kiếm công việc tốt hơn.
Trên hành trình đi, họ có thể bị những bên môi giới và tuyển dụng lao động không liêm chính bóc lột, thu những khoản phí rất cao, cung cấp thông tin không chính xác về công việc và trong một số trường hợp, kiểm soát họ bằng cách giữ giấy tờ của họ. Có trường hợp người sử dụng lao động không biết có hành vi bóc lột xảy ra, tuy nhiên công ty vẫn không tránh khỏi liên đới trách nhiệm cả về mặt xã hội và pháp lý. Trong thời gian qua, nhiều thương hiệu và nhà cung cấp của họ đã bị tổn thất do những cáo buộc về mua bán người và nô lệ hóa. Thiệt hại có thể bao gồm tổn thất về thương hiệu, tài chính và thậm chí các vấn đề pháp lý.
Một mặt, công ty cần tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ này; mặt khác áp dụng các thực hành tốt trong kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế có thể mang lại lợi ích thực sự cho công ty. Theo đó, các công ty nổi tiếng với mô hình kinh doanh có trách nhiệm đã xây dựng những chính sách chặt chẽ để xóa bỏ nô lệ hóa và mua bán người trong hoạt động của công ty và trong chuỗi cung ứng của họ.
Đặc biệt, họ cam kết thúc đẩy hiểu biết về nô lệ hóa và mua bán người cho nhân viên công ty và rộng hơn là trong chuỗi cung ứng, thường xuyên giám sát và có biện pháp điều chỉnh khi cần thiết, và công khai báo cáo về những thách thức gặp phải cũng như thành công đạt được. Ngày càng có nhiều công ty áp dụng mô hình ‘công ty chi trả’ trong tuyển dụng, trong đó người sử dụng lao động chi trả chi phí tuyển lao động. Mô hình này bảo vệ người lao động dễ bị tổn thương khỏi bị các bên môi giới lao động và tuyển dụng không liêm chính lợi dụng, đồng thời thúc đẩy thực hành tốt trong tuyển dụng, giúp công ty tìm được đúng người cho công việc.