Huyện Đông Hưng, Thái Bình: Xây dựng nông thôn mới bằng nhiều "chân"
Ảnh minh họa. |
Xin xi măng để xây dựng điện đường, trường, trạm
Trong tổng nguồn vốn huy động xây dựng kết cấu hạ tầng NTM toàn huyện Đông Hưng là 2.055,8 tỷ đồng thì vốn ngân sách 988,2 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư 445,6 tỷ đồng, vốn xã hội hóa, huy động từ nhân dân và vốn tài trợ 480 tỷ đồng, vốn tín dụng 142 tỷ đồng.
Các xã đã tiếp nhận và sử dụng 118.178,5 tấn xi măng hỗ trợ, Đông Hưng là huyện tiếp nhận khối lượng xi măng hỗ trợ nhiều nhất tỉnh. Nhân dân trong huyện đã hiến 750.210m2 đất làm đường giao thông, tự tháo dỡ 10.500m tường bao để mở rộng đường giao thông nông thôn. Toàn huyện đã xây dựng 835,4km đường giao thông các loại, 142km kênh mương cấp I loại 3; xây dựng mới và cải tạo 438 phòng học ở 62 trường, 29 trạm y tế, xây mới 20 trụ sở làm việc của cấp ủy, chính quyền và 8 nhà văn hóa xã...
Ông Lã Quý Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, Huyện ủy, UBND huyện tập trung kiểm tra, rà soát từng tiêu chí cụ thể, đánh giá khả năng thực hiện của các xã, định kỳ tổ chức giao ban để nghe các xã báo cáo tiến độ, từ đó có các biện pháp kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là tháo gỡ về vốn đầu tư xây dựng hạ tầng NTM, việc đấu giá quyền sử dụng đất, công tác quy hoạch...
Chỉ đạo các xã tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí còn lại, tranh thủ nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh để thi công các công trình kết cấu hạ tầng NTM.
Huyện cũng quan tâm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để triển khai các dự án, công trình bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; định hướng cho các địa phương mở rộng mối quan hệ với các đơn vị, liên kết với các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm; thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương...
Phát triển đa mô thức
Trong xây dựng NTM, Đông Hưng không chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng 4 vụ/năm; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đến nay, toàn huyện có 29 cánh đồng mẫu với diện tích 1.309,37ha, thu nhập đạt từ 160 - 213 triệu đồng/ha/năm; 5 cánh đồng 4 vụ với diện tích 61,02ha, thu nhập đạt từ 415 - 465 triệu đồng/ha/năm, gấp từ 3 - 3,5 lần so với cánh đồng truyền thống; năng suất lúa bình quân toàn huyện hàng năm đạt từ 133 - 134 tạ/ha. Ngoài 1.053 máy cày tay, toàn huyện có 340 máy cày đa năng, tăng 282 máy; 185 máy gặt đập liên hợp, tăng 135 máy so với năm 2010. Nghề và làng nghề tiếp tục được củng cố và phát triển, toàn huyện có 27 làng nghề được UBND tỉnh công nhận (tăng 5 làng nghề so với năm 2010), góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho 32.000 lao động...
Năm 2016, Đông Hưng có 9 xã đăng ký về đích NTM gồm: Bạch Đằng, Hoa Lư, Hồng Việt, Hợp Tiến, Phong Châu, Liên Giang, Đông Giang, Đông Động, Đông Dương. Là xã nội đồng, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng đến hết năm 2015 Hợp Tiến đã hoàn thành 15/19 tiêu chí. Để về đích NTM theo đúng lộ trình đã đề ra, thời điểm này, xã đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 4 tiêu chí còn lại gồm: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường.
Ông Trịnh Thế Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để hoàn thành 4 tiêu chí còn lại, xã cần đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, trong đó tỉnh, huyện hỗ trợ 5 tỷ đồng, xã huy động 25 tỷ đồng để xây dựng 1km đường giao thông trục xã, 1,525km đường giao thông trục chính nội đồng và 2.514m kênh cấp I, nhà văn hóa thôn, khu xử lý rác thải tập trung...
Xã đã chủ động tổ chức rà soát, đánh giá lại từng tiêu chí, phương án giải quyết phần chưa đạt, đồng thời triển khai các thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để lấy kinh phí đầu tư xây dựng NTM; tiếp tục tranh thủ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh và ngân sách các cấp, huy động các nguồn lực xã hội hóa cùng với sự đóng góp của nhân dân để tập trung xây dựng các công trình cần nguồn vốn lớn, quyết tâm về đích NTM vào cuối năm 2016.