Hút vài điếu thuốc mỗi ngày có được coi là nghiện?
Nhiều người cho rằng bản thân mình không nghiện thuốc lá mà chỉ hút vài điếu thuốc mỗi ngày cho vui.
Chồng nghiện thuốc hơn vợ
Anh Nguyễn Xuân Long – 34 tuổi, Hà Nội cho biết bản thân anh không nghiện thuốc lá. Hàng ngày, anh ngồi với đồng nghiệp hoặc bạn bè vui vui làm 2, 3 điếu. Về nhà thì anh ít khi hút trừ khi có công việc căng thẳng.
Trong khi đó, vợ anh Long cho rằng chồng phải cai thuốc lá. Bản thân anh Long thì lại thấy mình không nghiện thuốc lá thì không cần phải cai thuốc.
Cũng giống anh Long, nhiều người cho rằng nghiện thuốc lá phải là những người hút ngày cả bao thuốc còn hút dưới 10 điếu thì là hút cho vui.
Chị Phạm Thị Duyên, Nam Từ Liêm, Hà Nội than thở: chồng chị nghiện thuốc hơn nghiện vợ đấy em ạ. Hai vợ chồng có thể 2-3 ngày không gặp nhau nếu anh hoặc chị đi công tác cả tuần cũng không thấy nhắn tin hay gọi điện cho vợ nếu vợ không chủ động gọi diện nhưng thuốc lá thì 1 ngày thiếu là anh không chịu được".
Dù con trai chị năm nay hơn 4 tuổi, vợ chồng chị có thể làm mọi việc cho con, hi sinh mạng sống vì con nhưng ngay việc đơn giản nhất là bảo vệ con khỏi khói thuốc lá lại không làm được. Chồng chị hút thuốc nhưng vẫn có ý thức không bao giờ hút trong nhà mà chỉ hút ở ngoài hoặc trong nhà vệ sinh.
Tuy nhiên, khi nhà có việc tập trung anh em bạn bè thì ai nấy đều hút thuốc vô tội vạ. 4-5 ông ngồi với nhau là như cá gặp nước, ông nào cũng trên tay 1 điếu thuốc rồi nhả khói ra nghi ngút khắp nhà bất chấp trẻ con hay phụ nữ nhắc nhở.
Với chị Duyên thì hút thuốc ở đâu cũng làm ảnh hưởng tới không khí trong gia đình và ảnh hưởng trực tiếp tới người hút thuốc là chồng chị.
Khi nói chồng cai thuốc thì anh nói có hút nhiều lắm đâu, hút cho vui chứ không phải nghiện và đang cai từ từ. Ví dụ trước ngày hút 10 điếu giờ giảm xuống còn 4, 5 điếu.
Hút vào điếu có được coi là nghiện? |
Cai từ từ có được không?
Theo BS Kiều Xuân Thy – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nghiện thuốc lá được hiểu một cách đơn giản là việc mất hoàn toàn tự do nói không với thuốc lá. Người nghiện thuốc lá không thể “quên” hút thuốc lá, ngược lại bị bắt buộc phải hút nếu không sẽ bị cảm giác “đói” thuốc.
Thuốc lá buộc người nghiện phải hút liên tục nhiều tháng nhiều năm, hút thuốc lá ngay khi đã mắc các bệnh do thuốc lá gây ra: thở oxy do suy hô hấp, cắt cụt chân vì tắc mạch chi dưới.
Nghiện thuốc lá xuất hiện là hậu quả của các hiệu ứng tâm thần kinh do chất gây nghiện nicotine gây ra.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành của Hoa Kỳ năm 2002 (Tobacco Control) cho thấy người ta có thể trở nên nghiện thuốc lá với chỉ hút 2 điếu trong 1 tuần.
Thanh thiếu niên trở nên nghiện rất nhanh vì bộ não đang trong giai đoạn trưởng thành, dễ bị tác động hơn so với người trưởng thành, hút thuốc lá càng sớm thì nguy cơ trở nên nghiện càng cao. Nữ dễ nghiện hơn nam.
Tùy theo đặc điểm thể chất do gen qui định sẽ quyết định mức độ nhạy cảm của thụ thể nicotine trong não đối với nicotine trong thuốc lá, nghiện thuốc lá có thể xảy ra ở người này mà không xảy ra với người khác.
Khi thụ thể nicotine nhạy cảm, quá trình nghiện khởi động lập tức từ điếu thuốc đầu tiên, khi nicotine gắn kết lên thụ thể chứ không nhất thiết phải đợi đến khi hút nhiều điếu thuốc mới gây nghiện.
Bác sĩ Thy cho biết việc cai thuốc lá không đơn giản. Có những người cho rằng họ đang giảm số điều thuốc hút mỗi ngày là cai thuốc.
Nhưng thực chất đây không phải là một biện pháp cai thuốc lá tốt, người hút thuốc lá điều chỉnh một cách vô thức động tác rít sâu hơn, lâu hơn điếu thuốc lá khi hút số điếu thuốc lá được phép.
Bằng cách này lượng nicotine cũng như các chất độc đi vào cơ thể không hể giảm đi và hiện tượng nghiện thuốc lá tiếp tục được duy trì.
Như vậy, cai thuốc lá hoàn toàn, lập tức ngoài việc giúp khẳng định quyết tâm của người cai thuốc lá, còn là biện pháp duy nhất để cắt đứt cơ chế gây nghiện.
Tuy nhiên việc giảm từ từ số lượng điếu thuốc lá có thể tiến hành trong một giai đọan ngắn 1 đến 2 tuần, trong thời gian chờ thuốc hỗ trợ cai nghiện thuốc lá phát huy tác dụng.
Trong giai đọan này người hút thuốc lá để tâm đến từng điếu thuốc hút vào, chủ động không hút những điếu thuốc lá “theo phản xạ”, “do tâm lý” mà người hút thuốc lá cho rằng “không cần thiết” phải hút.
Việc kéo dài hơn nữa giai đoạn quá độ này không đảm bảo thành công cai thuốc lá cao hơn, ngược lại tăng nguy cơ tái nghiện.
Khánh Chi