Hướng dẫn giải đề thi tuyển sinh môn Ngữ Văn lớp 10 THPT
Cô Nguyễn Xuân Thân, hiệu phó trường Archimedes Academy |
Đề thi môn Ngữ Văn |
Sau đây là gợi ý hướng dẫn làm đề thi:
Phần 1. (4 điểm)
1. Ở phần trích đã cho, tác giả đã cho thấy vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa giữa các yếu tố dân tộc và quốc tế, truyền thống và hiện đại. Qua đó, ta thấy được tình cảm kính yêu, ngưỡng mộ của tác giả đối với Người.
2. Trong phần trích dẫn, hai danh từ được sử dụng như tính từ là “Việt Nam” và “phương Đông”. Việc chuyển đổi từ loại như vậy có tác dụng nhấn mạnh tính dân tộc, nét đẹp truyền thống trong nhân cách Hồ Chí Minh.
3. Nghị luận xã hội
a. Giới thiệu vấn đề: Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì hội nhập và phát triển ngày nay
b. Giải quyết vấn đề
− Giải thích: Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chính là việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người, đặc biệt là của thế hệ trẻ.
− Bình luận
+ Tại sao thế hệ trẻ phải có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc? Vì đó là nhiệm vụ quan trọng trong thời đại hội nhập sâu rộng ngày nay; hơn nữa, thế hệ trẻ chính là chủ nhân của đất nước, gánh trọng trách xây dựng và phát triển đất nước cả về kinh tế và văn hóa, xã hội.
+ Thế hệ trẻ cần làm gì để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc? Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân tộc cũng như quảng bá những giá trị ấy trên trường quốc tế.
− Mở rộng vấn đề: Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống không có nghĩa là khư khư giữ lấy mọi yếu tố văn hóa truyền thống mà phải biết chọn lọc, giữ lại cái tốt và loại bỏ cái xấu để nền văn hóa dân tộc trở nên tốt đẹp hơn. Đồng thời với việc giữ gìn bản sắc, thế hệ trẻ phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đề làm giàu thêm vốn văn hóa truyền thống của mình.
c. Kết thúc vấn đề: Khẳng định lại tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại hội nhập và phát triển và hiện nay.
Phần 2. (06 điểm)
1. Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963, khi Bằng Việt đang là sinh viên du học tại Liên Xô và bắt đầu đến với thơ ca.
2. “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” được nhắc tới trong bài thơ gợi nhớ về thời điểm nạn đói nạn đói năm Ất Dậu 1945 của đất nước. Cụm từ “đói mòn đói mỏi” được điệp lại chữ “đói” và tách từ “mòn mỏi” để tô đậm ấn tượng khủng khiếp về nạn đói, kéo dài hơn thời gian bị đói; đồng thời gợi ra sự chờ đợi mỏi mòn của đứa trẻ chờ bố mẹ về nhà.
3. Viết đoạn văn nghị luận văn học
− Học sinh viết đoạn văn diễn dịch khoảng 12 câu có sử dụng phép nối và câu bị động.
− Đoạn văn cần làm rõ: Tình cảm của cháu đối với bà vượt qua mọi khoảng cách không gian, thời gian. Dù cháu có khôn lớn, trưởng thành; bay đến những phương trời xa lạ, được tiếp xúc với nhiều niềm vui, với cuộc sống đủ đầy, tiện nghi; cháu vẫn không nguôi nhớ về bà, vẫn “chẳng bao giờ quên” tự nhắc nhở: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”. Nỗi nhớ về bà, về bếp lửa, về tuổi thơ gian khó nơi quê nhà vẫn luôn thường trực trong tâm hồn cháu, nâng đỡ tâm hồn cháu trên suốt chặng đường đời.
4. Bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh.