Hướng 30% học sinh học nghề sau tốt nghiệp phổ thông
Thông tin tại hội thảo cho hay, hiện Việt Nam đã hình thành hệ thống dạy nghề chính qui với 3 cấp độ (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng) với mạng lưới rộng khắp trong cả nước. Tính đến cuối năm 2012 đã có 136 trường cao đẳng nghề và 307 trường trung cấp nghề (tăng 2,71 lần so với năm 2011), trên 800 trung tâm dạy nghề (tăng 5,4 lần) và 1.000 cơ sở tham gia dạy nghề đào tạo khoảng 1,8 triệu học viên/năm.
Hội thảo “Việc thực hiện chính sách pháp luật về dạy nghề cho thanh niên” do Uỷ ban này phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức ở Đà Nẵng ngày 19/7 (Ảnh: HC) |
Theo TS Vũ Xuân Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách – Pháp chế (Tổng cục Dạy nghề), các ngành nghề được đa dạng hóa phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, với khoảng 820 lượt nghề được đào tạo ở hai trình độ cao đẳng và trung cấp. Khoảng 70% học sinh học tại các trường nghề đã tìm được hoặc tự tạo được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), những kết quả nêu trên vẫn chưa đáp ứng được thực tế mỗi năm có khoảng 400 ngàn học sinh tốt nghiệp THCS mà không học tiếp lên THPT, hàng trăm ngàn học sinh THPT không bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng.
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ bày tỏ mối quan ngại trước việc số lượng thanh niên Việt trong độ tuổi lao động ngày càng lớn song trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật còn thấp, đa phần chưa qua đào tạo, dạy nghề hoặc làm việc không đúng chuyên môn.
"Việt Nam đang bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên chiếm tỉ lệ cao, khoảng 30%, tương đương 15,2 triệu lao động/22,2 triệu người đang ở độ tuổi này. Trong khi đó, cả nước có hơn 41,8 triệu người, chiếm 85,1% lực lượng lao động, chưa được đào tạo. Việc phải đạt mục tiêu tạo việc làm cho 1.6 triệu người trong năm 2013 ẫn là thách thức lớn đối với toàn xã hội" - Bà Ngô Thị Minh nói.
Cần đổi mới chương trình theo hướng tích hợp lý thuyết với kỹ năng nghề để thu hút thanh niên đến với học nghề (Ảnh: HC) |
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Văn Tuyết, Ủy viên Thường trực Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ kiến nghị, cần có quyết định chỉ tiêu về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Quốc hội cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Luật Thanh niên cho phù hợp, theo hướng đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Ông cũng cho rằng, cần sự nhập cuộc tích cực hơn nữa của Bộ GD-ĐT, LĐ-TB-XH để tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT, nhằm đảm bảo 30% học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông chuyển sang học nghề phù hợp với năng lực của các em. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi tín dụng cho thanh niên đi xuất khẩu lao động, vay vốn giải quyết việc làm.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, để thu hút thanh niên đến với học nghề, đòi hỏi sự đổi mới chương trình theo hướng tích hợp lý thuyết với kỹ năng nghề, đặc biệt chú trọng xây dựng các cơ sở mới tại những vùng khó khăn – nơi tỷ lệ thanh niên chưa qua đào tạo cao. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở đào tạo nghề nhằm đẩy mạnh sự đột phá tích cực phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội và đổi mới cơ chế, chính sách để học viên học nghề có thể tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.