Huế: Hỗ trợ áp dụng giải pháp thay đổi tập quán tiêu dùng của đồng bào DTTS
Ban dân tộc tỉnh Thừa Thiên – Huế triển khai xây dựng 2 mô hình để hỗ trợ áp dụng giải pháp thay đổi tập quán tiêu dùng của đồng bào DTTS. |
Căn cứ vào các nội dung nghiên cứu của đề tài khoa học cấp năm 2017 “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp thay đổi tập quán tiêu dùng của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm góp phần thoát nghèo bền vững” và kế hoạch số 28/KH-BDT ngày 5 tháng 9 năm 2018 của Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế về Phát hiện và lựa chọn mô hình để hỗ trợ áp dụng giải pháp thay đổi tập quán tiêu dùng của đồng bào DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ ngày 13, 14/9, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức họp thông báo và triển khai xây dựng 2 mô hình để hỗ trợ áp dụng giải pháp thay đổi tập quán tiêu dùng của đồng bào DTTS tại thôn Dỗi (xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông) và thôn A Hưa (xã Nhâm, huyện A Lưới).
Hai mô hình tại thôn Dỗi (xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông) và thôn A Hưa, (xã Nhâm, huyện A Lưới) gồm mỗi mô hình có tổng 50 người dân trong thôn được lựa chọn để thực hiện mô hình điểm của đề tài.
Qua quá trình điều tra, khảo sát và thực hiện đề tài, hai điểm đại diện cho đặc trưng của hai dân tộc Tà Ôi và Cơ Tu. Thôn Dỗi (xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông) và thôn A Hưa, (xã Nhâm, huyện A Lưới) là bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều điểm sáng, nhiều cách làm mới nhằm xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu hiệu quả.
Theo đó, Chủ nhiệm đề tài đã thông báo một số nội dung về thực trạng tiêu dùng của người dân và đề xuất một số giải pháp, giới thiệu cuốn “Cẩm nang quy định về việc cưới xin, làm nhà, tang ma, lễ hội cho cộng đồng” ở tại mô hình điểm đó thực hiện nhằm thay đổi những tập quán tiêu dùng hằng ngày của người dân, từ đó xóa nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Qua đó, Ban Chủ nhiệm đề tài, các đơn vị tại địa phương tiến hành tổ chức đánh giá, tổng kết kế hoạch, phát hiện và lựa chọn hai mô hình để hỗ trợ áp dụng giải pháp thay đổi tập quán tiêu dùng của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế ở cơ sở. Sau đó, lựa chọn, suy tôn và nhân rộng các điển hình tiêu biểu nhằm góp phần thoát nghèo bền vững cho đồng bào vùng DTTS.