HSBC: Kinh tế năm Quý Tỵ 'ngọt ngào' hơn
Trong tháng 1, chỉ số PMI ngành sản xuất tăng lên mức 50 điểm, là tín hiệu tốt, song theo HSBC, điều này cần được diễn giải một cách thận trọng. “Quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam vẫn còn mong manh và đầy khó khăn, thể hiện ở chỉ số PMI toàn phần. Sau khi tăng trong tháng 11/2012, hoạt động sản xuất lại thụt lùi trong tháng 12, và chỉ tăng nhẹ trong tháng Giêng. Trong khi xuất khẩu tăng nhanh rất ấn tượng xét trong bối cảnh nhu cầu yếu ở các nước thuộc khu vực đồng tiền chung, nó đang bị sai lệch do yếu tố mùa vụ. Tết Nguyên đán năm nay diễn ra vào tháng Hai trong khi năm ngoái là tháng Giêng. Có nghĩa là dấu hiệu tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu sẽ yếu vào tháng Hai so với cùng kỳ năm ngoái”, HSBC nhận xét.
HSBC nhận định, nhu cầu tiêu dùng trong Tết Nguyên đán có thể khiến cho chỉ số lạm phát tăng vào tháng 2. |
Về các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, HSBC đánh giá, việc giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) 7 điểm trong năm 2012 ít ảnh hưởng đến tăng trưởng cho vay. Những vấn đề của ngành ngân hàng được HSBC liệt ra gồm có tăng trưởng tín dụng thấp (chỉ 8,9% so với mức 14,4% trong năm 2011), nợ xấu tăng. Điều này sẽ không tác động nhiều đến tăng trưởng cho vay, HSBC nhận định và bày tỏ lo ngại về việc bơm tín dụng vào các lĩnh vực đang khó khăn mà không có những cải cách cụ thể để tăng tính minh bạch của khu vực tài chính với khối doanh nghiệp nhà nước.
Đưa ra lời khuyên, HSBC cho rằng, Chính phủ cần thực thi các biện pháp để xóa nợ xấu, đồng thời nâng cao tính hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, làm sạch bộ máy. HSBC cho rằng, việc thúc đẩy bất động sản sẽ không giải quyết được những thách thức cơ bản của nền kinh tế. “Nếu Chính phủ thiếu kiên nhẫn và thực hiện các biện pháp thúc đẩy các lĩnh vực hoạt động èo uột như bất động sản vốn có liên quan đến vấn đề nợ tài chính hiện nay, thì nhu cầu sẽ được kích thích. Tuy nhiên, điều này sẽ không giải quyết những thách thức cơ bản của nền kinh tế, trong đó sự phân bố sai các nguồn lực là một trong những yếu tố trì kéo đã gây hậu quả năng lực sản xuất tổng thể xuống thấp”, thông báo của HSBC nêu.
Một trong những điểm lưu ý trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 1/2013 là lạm phát. Năm 2012, lạm phát được kiềm chế ở một con số, nhưng sang 2013, cần cẩn trọng hơn nếu muốn duy trì mức này trong năm 2013. Giá cả hàng hóa có khuynh hướng tăng và nhu cầu cũng dần phục hồi trong năm 2013. Lạm phát toàn phần tháng 1 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước trong khi tháng 12.2012 chỉ là 6,9%. Tết nguyên đán năm nay lại đúng vào tháng 2 dương lịch, do đó, nhu cầu trong dịp gần Tết tăng với các mặt hàng liên quan thực phẩm cũng được dự báo là nhân tố tác động lên lạm phát.
Lan Anh