Hợp tác phòng chống buôn bán người là điểm quan trọng trong Tầm nhìn ASEAN 2025
Ảnh minh họa. |
Trong tổng kết báo cáo các chương trình hợp tác của Khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2016, vụ ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tất cả các nước thành viên đều cùng nỗ lực triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và thúc đẩy xây dựng Cộng đồng vững mạnh.
Về hợp tác Chính trị - An ninh, ASEAN đã thúc đẩy mạnh mẽ và triển khai được 141/290 dòng hành động (gần 50%) Kế hoạch tổng thể.
Về Quốc phòng - An ninh, các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục củng cố quan hệ nội bộ và quan hệ mở rộng giữa Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với Nga, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. ASEAN cũng đã tổ chức các cuộc họp tư lệnh các quân binh chủng và các hoạt động hợp tác cụ thể khác như lập đường dây liên lạc quốc phòng trực tiếp ASEAN và kỷ niệm 10 năm cơ chế hợp tác quốc phòng ASEAN (ADMM) và mở rộng (ADMM+).
Đáng chú ý trong năm 2016, cơ chế hợp tác phòng người Tội phạm xuyên quốc gia cũng được ASEAN quan tâm đẩy mạnh trong các nước thành viên cũng như phối hợp với các đối tác quốc tế.
ASEAN đã soạn thảo Kế hoạch hành động ASEAN; phê chuẩn Công ước ASEAN về chống mua bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em (ACTIP). Đây là vấn nạn lớn hiện nay tại các quốc gia Đông Nam Á, khi mà nhu cầu về nhân lực rẻ mạt ngày càng tăng và lợi nhuận từ buôn bán người ngày càng cao. Đặc biệt là tại các vùng biên giới giữa các nước giáp ranh với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia, vấn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em chưa bao giờ hạ nhiệt.
Ủy ban liên chính phủ về Hợp tác nhân quyền ASEAN (AICHR) trong năm 2016 đã triển khai kế hoạch 2016 - 2020 và lập quan hệ tham vấn với 11 tổ chức xã hội dân sự ASEAN; họp tham vấn cách tiếp cận nhân quyền trong thực hiện Công ước ASEAN về chống mua bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em và kế hoạch hành động khu vực; trao đổi kinh nghiệm thực tiễn quốc gia và tăng cường điều phối trong triển khai ACTIP.
Ngoài ra, ASEAN cũng đã lập nhóm công tác về mua bán và vận chuyển trái phép vũ khí, động vật hoang dã và gỗ tự nhiên trong khu vực; lập Quỹ tín thác hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp trường hợp di cư bất thường ở Đông Nam Á; thông qua Kế hoạch hành động ASEAN về Phấn đấu bảo vệ Cộng đồng chống tệ nạn ma túy 2016 - 2025; đề xuất hợp tác an ninh hàng hải phi truyền thống, gồm ngăn chặn cướp tàu thuyền, buôn lậu trên biển, ô nhiễm biển, di cư trái phép và đánh bắt cá trái phép.
Trong năm 2016, Diễn đàn khu vực ARF cũng đã cùng nhau tăng cường, thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chính trị - an ninh, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa với các kế hoạch công tác trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể là cứu trợ thiên tai, an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, không phổ biến và giải trừ quân bị và hợp tác quốc phòng (cải tiến Hội nghị chính sách an ninh khu vực và Đối thoại quan chức quốc phòng ARF); thông qua các Tuyên bố về tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và Quản lý tội phạm di chuyển xuyên biên giới.
Về hợp tác kinh tế, các quốc gia thành viên đã hoàn tất Lộ trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế AEC 2015, đến tháng 8/2016 đã thực hiện được 530/611 dòng hành động (35 biện pháp về vận tải, hải quan, tiêu chuẩn, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ được triển khai trong năm 2016 và 46 biện pháp trong năm 2017).
Về hợp tác Văn hóa - Xã hội: ASEAN đã tích cực triển khai Kế hoạch tổng thể với 109 dòng hành động (đến nay 9/15 cơ quan chuyên ngành đã hoàn thành chương trình, kế hoạch công tác giai đoạn 2016 - 2020) cùng các ưu tiên năm Chủ tịch ASEAN của Lào về phát triển nguồn nhân lực, tăng cường việc làm bền vững, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư; an sinh xã hội và hỗ trợ nhóm xã hội yếu thế; quản lý thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; giáo dục cho trẻ em không được đến trườngl xác định các ưu tiên của Tầm nhìn ASEAN 2025 gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trong chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc.