Họp khẩn về "nghi án" bắt tay tăng giá sữa
Từ sau Tết Nguyên đán, một số hãng sữa đã đột ngột tăng giá với mức tăng từ 10-20% tùy loại. Giá sữa tăng sốc đã khiến dư luận bức xúc. Đáng chú ý, thời điểm tăng giá cùng một lúc khiến nhiều người đặt nghi vấn: các DN đã bắt tay nhau cùng làm giá sữa.
Tại cuộc họp chiều 3/3, đồng loạt câu hỏi liên quan tới vấn đề giá sữa, DN bắt tay làm giá sữa.... đã được báo chí gửi tới lãnh đạo Bộ Công thương.
Nhìn nhận về thực hư chuyện các DN sữa có bắt tay làm giá như báo chí phản ánh hay không, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, chưa thể kết luận họ có “bắt tay làm giá hay không”.
Giá sữa tăng sốc từ sau Tết Nguyên đán với mức tăng 10-20% tùy loại |
Theo ông Nam, thị trường sữa thời gian qua rất sôi động. Sữa là mặt hàng bình ổn giá và trong đó có 1 số mặt hàng thuộc danh mục Quản lý giá. Thực tế, Cục đã biết và lường trước được việc tăng giá tại các thị trường Việt Nam. Dù thị trường sữa là thị trường cạnh tranh khốc liệt, tuy nhiên thời gian qua Cục QLTT chưa thấy dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh.
"Những dư luận và thông tin như vậy Cục Cạnh tranh đã và đang theo dõi. Hiện Cục đang tập hợp dữ liệu và các thông số, nếu có dấu hiệu sẽ tiến hành điều tra sơ bộ, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ chuyển cơ quan chức năng điều tra chính thức" ông Nam nói.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường bổ sung thêm, đối với mặt hàng sữa, Cục Quản lý thị trường sẽ triển khai các biện pháp để xem DN có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết không?
“Cục yêu cầu các Chi cục Quản lý thị trường cả nước thực hiện nghiêm việc kiểm tra bán theo giá niêm yết theo quy định của Bộ Tài Chính”- ông Lam khẳng định.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải - người phát ngôn của bộ này cho rằng, Bộ Công thương có trách nhiệm quản lý niêm yết giá và xem xét DN có bán đúng giá niêm yết hay không.
Cục Quản lý thị trường sẽ kiểm tra, xác minh. Còn có vi phạm luật cạnh tranh không thì Cục Cạnh tranh đang tiến hành, có thể nghi ngờ và đặt ra câu hỏi nhưng phải làm đúng quy trình.
"Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để làm hết trách nhiệm trong lĩnh vực phân công. Ngày mai Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan sẽ họp khẩn về vấn đề này." thứ trưởng Hải nói.
Thời gian để các cơ quan chức năng điều tra sơ bộ đối với nghi án liên kết làm giá của DN sữa là 30 ngày. Nếu điều tra sơ bộ mà phát hiện hành vi vi phạm sẽ chuyển cơ quan điều tra điều tra chính thức và thời gian cho quá trình này là 180 ngày. Trong trường hợp vụ việc phức tạp, cơ quan điều tra có thể gia hạn điều tra 2 lần, mỗi lần không quá 60 ngày.
Sáng 4/3/2014, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan sẽ có cuộc họp khẩn về nghi án tăng giá và làm giá sữa của các DN kinh doanh mặt hàng này.