Hơn 200 nghìn người Afghanistan vẫn ở lại châu Âu, số phận chưa rõ ràng
Theo tờ Bild của Đức, hiện tại có hơn 200 nghìn người Afghanistan ở châu Âu, yêu cầu xin tị nạn của họ đã bị từ chối, nhưng họ vẫn không trở về nhà.
Afghanistan đang bị Taliban chiếm đóng, nhưng các nước châu Âu không vội sửa đổi quyết định xin tị nạn của công nhân đất nước Nam Á này. Trong khi đó, các quan chức Taliban đang yêu cầu tất cả người Afghanistan phải trở về quê hương.
Kể từ năm 2012, hàng nghìn người Afghanistan đã đổ xô đến châu Âu. Hầu hết tất cả họ đều nộp đơn xin tị nạn, lấy lý do là sợ hãi Taliban để chạy trốn. Kể từ đó, hơn 200 nghìn người Afghanistan vẫn ở lại các quốc gia châu Âu, ngay cả khi bị từ chối tị nạn.
Tờ Bild cho biết, các cơ quan di trú châu Âu ban đầu biện minh cho việc từ chối tị nạn bởi thực tế là tình hình ở Afghanistan do quân đội Mỹ kiểm soát, điều này khiến nước này tương đối an toàn. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút quân, nước này đã bị Taliban tiếp quản và đất nước trở nên hỗn loạn.
Hơn 200 nghìn người Afghanistan vẫn ở lại châu Âu, số phận vẫn chưa rõ ràng. (Ảnh: Reuters) |
Mới đây, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid nói rằng, tất cả người Afghanistan ở châu Âu nên trở về nhà. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ không muốn quay trở lại vì sợ trả thù.
Theo tờ Bild, kể từ năm 2012, 101.790 yêu cầu xin tị nạn của người Afghanistan đã bị từ chối chỉ tính riêng ở Đức. Đồng thời, chỉ có 1.050 người trong số họ trở về Afghanistan.
Cơ quan liên bang về di cư và tị nạn ở Đức cho biết, đối với người Afghanistan việc trục xuất sẽ không được thực hiện. Các quan chức của Cơ quan này cũng cho biết, họ sẽ chờ đợi một báo cáo chính thức từ Bộ Ngoại giao Đức về tình hình ở Afghanistan. Vì vậy, tình trạng của các yêu cầu tị nạn bị từ chối sẽ vẫn chưa được xem xét, mặc dù tình hình đã thay đổi.
Bild tự hỏi liệu nước Đức có nguy cơ gặp phải thảm họa di cư một lần nữa hay không, như trong những năm 1980 khi hàng chục nghìn người tị nạn từ Lebanon không nhận được giấy phép lao động ở Đức, cuối cùng những người này là gánh nặng cho lĩnh vực xã hội và một phần trong số đó gia nhập các nhóm tội phạm gây bất ổn ở châu Âu.
Tuy nhiên, Cơ quan liên bang về di cư và tị nạn nhấn mạnh rằng, viễn cảnh như vậy không thể lường trước được. Việc cấp giấy phép lao động là một trong những cách giải quyết vấn đề.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đề xuất Quốc hội thông qua một khoản chi lớn nhằm hỗ trợ người Afghanistan tái định cư.
Theo đó, Nhà Trắng đang muốn chi hàng tỉ USD để hỗ trợ “sứ mệnh lịch sử” nhằm hỗ trợ những người tị nạn Afghanistan tái định cư tại Mỹ.
Với lý do “nhu cầu khẩn cấp”, chính quyền của Tổng thống Biden đề xuất Quốc hội chi 6,4 tỉ USD cho nỗ lực tái định cư người Afghanistan, một tuần sau khi chấm dứt cuộc không vận lịch sử trong khi Taliban kiểm soát Afghanistan.
Khoản chi hỗ trợ người tị nạn Afghanistan sẽ tập trung vào các chiến dịch tái định cư ở nước ngoài, cũng như kế hoạch cho 65.000 người Afghanistan đến Mỹ tính đến cuối tháng 9, bên cạnh đó thêm 30.000 người trong năm tới.
Mỹ đã hỗ trợ di tản hơn 124.000 người khỏi Afghanistan, trong đó có 6.400 người Mỹ, trước khi kết thúc cuộc chiến 20 năm. Sau 12 tháng ở Mỹ, những người Afghanistan sẽ đủ điều kiện xin thường trú hợp pháp và nhận thẻ xanh.
Thực hư tin đồn binh sĩ Afghanistan do NATO đào tạo gia nhập Taliban
The Times dẫn các nguồn tin trong Lực lượng Vũ trang Anh cho rằng, các binh sĩ Afghanistan được huấn luyện bởi các chuyên gia của Anh và Mỹ đang đứng về phía Taliban.
Thanh Bình (lược dịch)