Hồi ức của những nhân chứng về Mùa thu tháng Tám
Vào những ngày cả nước kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi đã vinh dự được gặp những người đã trực tiếp làm nên cuộc cách mạng thần kỳ của dân tộc. Không khí cách mạng sôi sục cách đây 70 năm còn in rất đậm nét qua lời kể của những nhân chứng cụ thể.
Cuộc cách mạng thần thánh
Những con người trực tiếp tham gia và làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử vẫn còn nhớ như in chuyện Việt Minh tổ chức phá cuộc mít tinh tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 17/8, và sau đó là cuộc tuần hành kéo dài tới nửa đêm khắp các con đường của Hà Nội để ủng hộ Việt Minh; chuyện phá kho thóc Nhật ở làng Quan Nhân để chia cho dân nghèo, 3 mũi tiến công của Việt Minh chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), chiếm Tòa Thị chính, Tòa án, chiếm trại Bảo An binh (trên phố Hàng Bài ngày nay)... từ đó tạo nên thời cơ chín muồi để Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, người chụp ảnh tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 17 và 19/8/1945, cho biết, thời điểm đó ông mới 13 tuổi và vừa thi đỗ vào Trường Bưởi. Ông khẳng định mình được đào tạo từ cuộc Cách mạng Tháng Tám và đã gắn bó cả cuộc đời mình với cách mạng. Theo ông Thoại, về Cách mạng Tháng Tám, tư liệu rất nhiều, nhưng đến giờ lớp trẻ vẫn chưa biết rõ thành công của Xứ ủy Hà Nội trong việc phá cuộc mít tinh ngày 17/8 của Chính phủ Trần Trọng Kim. “Đó là một quyết định quan trọng để khởi nghĩa thành công. Nếu khởi nghĩa non hay muộn đều sẽ không thành công”, ông Thoại nói.
Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (bên phải) và Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại. |
Theo hồi ức của ông Thoại, lúc đó, tình hình Hà Nội căng như sợi dây đàn, dân đã không còn hy vọng gì vào Chính phủ bù nhìn của Trần Trọng Kim. “Lúc đó, họ đề nghị Việt Minh tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng Việt Minh từ chối. Để lấy lại tinh thần, họ ra lệnh tất cả các công chức phải tham gia mít tinh ngày 17/8 ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, vận động đồng bào tham gia. Hồi đó, chúng tôi đi phá mít tinh, gặp mưa, rét mướt. Trên đường về, chúng tôi gặp cụ già râu dài, người cũng ướt sũng đi từ Hàng Bài xuống cứ được 10 bước lại quay lại phía Nhà hát Lớn hô ủng hộ Việt Minh. Điều đó chứng tỏ dân mình từ trẻ đến già đều đã theo Việt Minh hoàn toàn”, ông Thoại hào hứng kể lại.
Ông Thoại cho rằng, bài học của Cách mạng Tháng Tám là muốn khởi nghĩa thành công thì ngoài thời cơ địch bị phân rã, Đảng tiền phong, thì quần chúng nhân dân phải đi theo cách mạng.
Ông Lê Đức Vân (89 tuổi), phụ trách Thanh vận Việt Minh thành Hoàng Diệu, phụ trách báo Hồn nước cũng cho biết, mấy chục năm nay, ông và những người tham gia Cách mạng Tháng Tám đều chọn ngày 17/8 để kỷ niệm. Ông Vân kể, trước ngày 17/8, phong trào Việt Minh đã lớn mạnh và có nhiều hoạt động diễn thuyết công khai nơi đông người đả đảo Chính phủ bù nhìn, ủng hộ Việt Minh. Gần như người Hà Nội đã ngả sang ủng hộ Việt Minh. Những ngày đó, phong trào trừ gian, trừ mật thám cũng phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, để lấy lại tinh thần, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh ngày 17/8 ở Nhà hát lớn. “Tất cả chúng tôi được lệnh cũng tham gia mít tinh nhưng mục đích là phá cuộc mít tinh đó, biến thành cuộc mít tinh của Việt Minh”, ông Lê Đức Vân cho biết.
Trong hồi ức của ông Vân, ngày đó, mỗi người cầm theo một lá cờ nhỏ. Một tổ 3 người được giao nhiệm vụ cướp diễn đàn, giữ micro kêu gọi người dân ủng hộ Việt Minh. Cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim bị phá vỡ, không khí người dân phấn khích ủng hộ Việt Minh và tự phát thành một cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh qua các phố phường Hà Nội. Đi đến đâu, dân chúng đi theo đến đó, hô vang “đả đảo bù nhìn”, “ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”. Với cuộc mít tinh đó, toàn bộ người dân Hà Nội đã xuống đường ủng hộ Việt Minh. Thời cơ đã đến, ngay tối 17/8, Xứ ủy Hà Nội quyết định tổng khởi nghĩa. Đó là một quyết định sắc bén, sáng suốt của Hà Nội. Khởi nghĩa ngày 19/8 diễn ra không sớm, không muộn và thành công.
Liên quan đến sự kiện này, bà Lê Thy, con gái của nhà cách mạng Dương Quảng Hàm kể lại kỷ niệm được giao nhiệm vụ là người kéo cờ ở Quảng trường Ba Đình trong Lễ Quốc khánh 2/9/1945. “Lúc mới kéo, tôi lo lắm vì chưa được tập, lại không ai chỉ cho mình. Nhưng sau đó, tôi đã cùng một cộng sự kéo cờ thành công. Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió mùa thu, tôi mới có dịp ngắm nhìn Bác Hồ, lòng không khỏi ngỡ ngàng sao Bác ăn mặc giản dị thế, chỉ áo vải đơn sơ”, bà Thy nhớ lại.
Bài học xây dựng và phát triển đất nước
Các nhân chứng lịch sử đều cho rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công là nhờ đoàn kết được toàn dân. Có dân là có cách mạng, có thành công. Đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Quân sự Cách mạng Hà Nội nhận định: Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng của toàn dân, nếu Đảng mà không nắm được dân thì không thể thành công. Bài học đó được thấm thía đến tận hôm nay, nếu chúng ta nắm được dân thì sẽ xây dựng đất nước thành công. Ngày nay, đất nước có điều kiện tốt để xây dựng, nếu không dựa vào dân, xây dựng được sức dân thì việc phát triển đất nước sẽ chậm. Cần phát huy bài học phát huy sức dân, dựa vào dân của Cách mạng Tháng Tám để phát triển sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng nhận định: Bài học của Cách mạng Tháng Tám cần được tổng kết kỹ, không phải cho quá khứ, mà để vận dụng vào hiện nay. Chúng ta nói nhiều, kỷ niệm lớn nhưng quan trọng là chuyển hóa bài học của Cách mạng Tháng Tám vào bối cảnh hiện nay, để công cuộc xây dựng đất nước tiến nhanh, tiến mạnh. Bài học cơ bản của Cách mạng Tháng Tám là đoàn kết dân, dân đứng lên làm cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ. Những bài học quá khứ của Đảng, của Bác cần được phát huy, trong đó cần chú trọng những con người thực hiện. Nếu Đảng gần dân, sát dân thì sẽ phát huy được sức mạnh của dân.
Với tư cách là một nhà sử học, Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng, để nghiên cứu Cách mạng Tháng Tám, các nhà làm sử phải dựa vào nhiều nguồn tư liệu, trong đó, hồi ức sống động của những nhân chứng lịch sử là một nguồn tư liệu sống. Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Cách mạng Tháng Tám có 2 giá trị: Một là thể hiện sức mạnh quật khởi của cả dân tộc, chính vì vậy chính quyền của Trần Trọng Kim, sau này là chính quyền Nhật hoàn toàn không chống đối. Chưa bao giờ chúng ta phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lớn lao như trong Cách mạng Tháng Tám. Hai là sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ. Đây không phải là cuộc đấu tranh bình thường mà là cuộc đấu tranh giành chính quyền do Bác Hồ chỉ đạo. Ngay từ đầu, Bác đã nhìn ra được thời cơ, chuyển hướng sang cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Thành lập Việt Minh là một sáng kiến vĩ đại. Nhận ra thời cơ, chớp thời cơ và đưa ra chiến lược, sách lược để chỉ đạo nhân dân đấu tranh là thiên tài cách mạng của Bác Hồ.
Nhìn lại những năm tháng lịch sử đã qua nhiều nhân chứng lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám như cụ bà Từ Ngọc Hoan, lúc đó là học sinh trường Trưng Vương, đội viên Việt Minh thành Hoàng Diệu; cụ Trần Vân Nội, người tham gia phá kho thóc Nhật, năm nay đã 89 tuổi; ông Nguyễn Hải Hùng, phụ trách phong trào Việt Minh ở ngoại thành Hà Nội… cùng cho rằng, thế hệ trẻ phải hiểu lịch sử dân tộc, từ đó mới yêu Tổ quốc và có trách nhiệm xây dựng đất nước. Cần làm sao để thế hệ trẻ phát huy được bài học, sức mạnh của Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.