Hội thảo quốc tế chuẩn bị cho quá trình hội nhập kinh tế ASEAN
Trong tiến trình hội nhập với khu vực và thế giới, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên phát triển cả kết cấu hạ tầng giao thông phần cứng và phần mềm. Việt Nam đã xây dựng và nâng cấp các tuyến đường bộ nằm trong hệ thống đường bộ Châu Á, đường bộ ASEAN và Tiểu vùng Mê Kông mở rộng.
Về phần mềm là các hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hoá qua lại biên giới, Việt Nam đã ký kết và thực hiện một loạt các hiệp định song phương và đa phương với các nước láng giềng và các nước trong khu vực như: Hiệp định vận tải đường bộ song phương với Trung Quốc, Lào, Campuchia, các hiệp định đa phương như Hiệp định ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng quá cảnh, Hiệp định ASEAN về vận tải liên quốc gia và Hiệp định GMS-CBTA …
Vừa qua, ngày 20 tháng 8 năm 2014 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của hai Công ước quốc tế: Công ước giao thông đường bộ 1968 và Công ước biển báo và tín hiệu đường bộ 1968.
Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015. Nhu cầu di chuyển phương tiện, người và hàng hoá giữa các nước thành viên sẽ phát triển nhanh chóng, đòi hỏi hệ thống các biển báo, tín hiệu đường bộ, quy tắc giao thông phải thống nhất giữa các quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho giao thông cũng như đảm bảo an toàn giao thông là vấn đề đặc biệt được coi trọng. Vì vậy việc thực hiện hai công ước nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam.
Nhằm chuẩn bị cho kỹ cho cuộc hội nhập vào cuối năm nay, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam phối hợp với Tổ Chức Y tế thế giới (WHO), Uỷ ban Kinh tế xã hội Châu Á –Thái Bình Dương của Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo quốc tế về Công ước giao thông đường bộ và Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ 1968 trong hai ngày 27 và 28 tháng 7 năm 2015 tại thành phố Nha Trang.
Mục đích của cuộc hội thảo là nhằm trao đổi, chia sẻ các điểm khác biệt về nội dung công ước năm 1968 và 1949, cũng như các điểm khác biệt giữa Luật giao thông đường bộ của Việt Nam với hai Công ước quốc tế, tập trung vào khía cạnh an toàn giao thông đường bộ và kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan đến Công ước của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực, để từ đó đưa ra các kiến nghị, lộ trình trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam phù hợp với các công ước quốc tế nêu trên.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Tại Hội thảo lần này các đại biểu sẽ được nghe các chuyên gia của UNESCAP và các chuyên gia trong nước trình bầy về nội dung công ước cũng như các điểm khác biệt giữa Luật giao thông đường bộ của Việt Nam với hai Công ước quốc tế, tập trung vào khía cạnh an toàn giao thông đường bộ để từ đó đưa ra các kiến nghị, lộ trình trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.
Đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia trong và ngoài nước, các cán bộ kỹ thuật, các nhà quản lý và hoạch định chính sách trong lĩnh vực giao thông vận tải trao đổi những kinh nghiệm liên quan đến giao thông đường bộ, an toàn đường bộ nói chung và biển báo, tín hiệu đường bộ nói riêng”.