Hồi sinh hồ Văn trong 200 ngày
Không gian hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) vốn là nơi dành cho sĩ tử bình thơ, nay chính thức được phép chỉnh trang, tôn tạo với diện mạo mới.
Hồ Văn và gò Kim Châu tương lai. |
5 năm chờ, 200 ngày thực hiện
Câu chuyện hồi sinh hồ Văn thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám được khơi lên từ năm 2017, tới nay gần 5 năm mới có thể trở thành hiện thực.
Đầu năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) gửi Công văn số 209 cho UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương lập báo cáo kinh tế kỹ thuật phục dựng tòa phương đình trên gò Kim Châu (hồ Văn). Trải qua quá trình lấy ý kiến cộng đồng, hoàn thiện phương án, đến tháng 5/2021, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Công an thành phố, UBND quận Đống Đa, Ban Tôn giáo TP đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thi công tòa phương đình và tôn tạo gò Kim Châu.
“Chúng tôi có 200 ngày để hoàn thành công việc tôn tạo, tu bổ hồ Văn”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói. Khoảng thời gian vô cùng gấp gáp để chỉnh trang đường đi lối lại trong khu vực hồ Văn, thi công các công trình làm đẹp hồ. Đối với gò Kim Châu, những người thực hiện cần hạ giải di dời các đồ thờ, tượng thờ và công trình thờ tự tự phát cũ do một số người dân xây trái phép trên đất di tích quốc gia đặc biệt.
“Cho dù có dựng lên phương đình tại gò Kim Châu, chúng tôi vẫn bảo tồn bền vững hai cây si cổ thụ và hai bia đá vốn có”, ông Kiêu nói.
Không gian hồ Văn gần đây được chú trọng, là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục. (Ảnh: KỲ SƠN) |
Thay đổi đáng chú ý chính là việc xây chiếc cầu đá dẫn sang gò, tòa phương đình. Trước đây mỗi lần di chuyển sang gò đều phải dùng thuyền gây mất an toàn. Sau khi tạm dừng hoạt động khu thờ tự phát, Trung tâm đưa thuyền lên bờ để tránh rủi ro. Cầu đá là giải pháp tối ưu khi tu bổ hồ Văn, đặt ở phía Tây Bắc hồ. Cầu bằng đá xanh Thanh Hóa, dài gần 17m, rộng hơn 2m chia làm 5 nhịp lớn, 4 hàng chân cột. Mảng trang trí cầu gắn với truyền thống dân gian, lan can cầu cao 0,95m được bọc toàn bộ đá xanh đục thô.
Công trình kiến trúc duy nhất trên gò là tòa phương đình, xưa kia từng được nhắc tới với công năng là không gian vịnh thơ của sĩ tử. “Phương đình ở vị trí trung tâm của gò nằm trên trục thần đạo của tổng thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hướng quay theo hướng của các công trình chính trên tổng thể. Kiến trúc phương đình chồng diêm 2 tầng 8 mái đặt trên nền cao hơn so với mặt sân 0,45m. Kết cấu bộ khung gồm 16 cột gỗ, cột cái, cột quân bằng chất liệu đá để giảm thiểu các tác nhân gây hại như nắng, mưa cho hàng cột ngoài cùng; nền lát gạch Bát Tràng phục chế; chân tảng, bậc cấp bó vỉa chế tác bằng đá xanh Thanh Hóa; mái lợp ngói mũi hài”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết.
Cảnh quan sân vườn ở khu vực hồ Văn cũng được thay áo mới. Toàn bộ nền sân được lát đá xanh Thanh Hóa, bề mặt đục nhám chống trơn, giữa các viên đá được xen kẽ trồng mạch cỏ rộng 5cm nhằm giảm bớt vẻ khô cứng để hòa nhập, gần gũi với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Ngoài ra còn có hạng mục xây dựng kè hồ, lan can đá.
Thêm sinh khí
Hồ Văn vốn được xem như Minh đường án ngữ trước nội tự Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thế nhưng rất nhiều người dân Hà Nội còn mơ hồ, không hề biết đây là bộ phận không thể tách rời của khu nội tự Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
“Do hồ Văn là bộ phận không thể tách rời của di tích quốc gia đặc biệt, nên việc bảo tồn và phát huy giá trị hồ Văn đóng góp rất lớn vào việc bảo vệ di tích. Thời gian dài trước đó Hà Nội chưa thực sự quan tâm tới hồ Văn, để mất vệ sinh, lấn chiếm đất di tích, trên gò xảy ra hiện tượng xây nơi thờ tự trái phép”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nêu.
Khu vực hồ Văn rộng 11.932m2, trong đó 7.778m2 là diện tích hồ nước bao gồm cả gò Kim Châu, còn lại là phần sân vườn, thảm cỏ. Gò Kim Châu là hòn đảo nhỏ trên hồ Văn có diện tích hơn 383m2, trên gò hiện có gian thờ tự phát và hai cây hương nhỏ nằm giữa gò. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chủ trì nhiều cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng cư dân, các nhà khoa học về phương án di dời công trình tự phát, nhằm trả lại mặt bằng để phục vụ cho dự án bảo quản, tu bổ di tích.
Cải tạo, chỉnh trang hồ Văn mới chỉ hoàn thành được “cái vỏ”. Muốn hồ Văn thực sự hồi sinh, Hà Nội cần nghĩ tới hoạt động văn hóa, giáo dục gắn liền với di tích. PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho rằng việc chỉnh trang để trả lại giá trị cho hồ Văn là hết sức cần thiết, tuy nhiên sau khi hoàn thiện công trình này, Trung tâm Văn Miếu cần quan tâm tới hoạt động văn hóa, di sản đa dạng để phát huy giá trị. Thời gian qua một số hội sách, hội chữ, trải nghiệm ở hồ Văn được thực hiện khá tốt, nay cần thêm hoạt động phù hợp và hấp dẫn hơn nữa.
Hà Nội hối hả thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo. Không gian hồ Văn quá lý tưởng để trở thành không gian sáng tạo với vị trí đắc địa, giá trị văn hóa lịch sử độc đáo. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế phân tích, hồ Văn hoàn toàn có thể trở thành không gian sáng tạo nếu tháo gỡ được vướng mắc lớn nhất hiện nay.
“Xét về phong thủy, phương diện giao thông thì con đường chia đôi nội tự Văn Miếu với hồ Văn khiến cho hai không gian mất đi sự gắn kết. Tôi nghĩ Hà Nội có thể thí điểm biến đoạn đường này trở thành phố đi bộ một vài thời điểm trong năm, nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động văn hóa ở cả hồ Văn lẫn Văn Miếu”, ông Thế nói.
Không chỉ theo đuổi công việc chỉnh trang tu bổ hồ Văn suốt 5 năm nay, Trung tâm còn ấp ủ thay đổi diện mạo các cửa hàng cửa hiệu dọc tuyến phố đối diện với Văn Miếu. Nhà nghiên cứu Yên Thế nhận xét, xung quanh Văn Miếu quá ít cửa hàng gắn với di tích hoặc hiệu sách. Tuy nhiên muốn đưa khu phố này thành khu phố văn hóa, cửa hàng dần chuyển đổi kinh doanh sang các mặt hàng gắn với sản phẩm văn hóa nhiều hơn, ông Thế đề xuất lãnh đạo Hà Nội cần có chính sách thuế ưu đãi để tạo ra không gian sinh thái phù hợp cho khu vực Văn Miếu và vùng phụ cận.
Theo tienphong.vn