Hối hả bảo dưỡng máy bay đang phủ bạt ở Nội Bài, chờ ngày cất cánh, đảm bảo những chuyến đi an toàn
Với tàu bay lớn như A350, sau khoảng một tháng không bay, việc bảo dưỡng mất khoảng 2 ngày. Các tàu bay phải được kiểm tra kỹ thuật và bảo dưỡng cẩn thận trước khi cất cánh.
Trên sân bay quốc tế Nội Bài, rất nhiều máy bay nằm "nghỉ dưỡng" nhiều tháng nay đã phải tháo động cơ hoặc bọc bạt động cơ, bọc bảo vệ càng bánh, các cửa sổ được dán lại.
Anh Trần Quốc Dũng, một nhân viên kỹ thuật máy bay cho biết: “Trong quá trình máy bay dừng khai thác, phải phủ bạt để tránh tác hại từ môi trường, tránh các vật thể lạ bay vào bên trong. Đối với những tàu bay lớn như A350, sau khoảng 1 tháng không bay, việc bảo dưỡng sẽ mất khoảng 2 ngày”.
Sáng nay, tại sân bay Nội Bài, các nhân viên kỹ thuật tiến hành tháo bạt động cơ để bảo dưỡng một số máy bay sau ngày dài nằm sân đỗ, sẵn sàng cất cánh khi các đường bay nội địa được cho phép khai thác.
Máy bay được bảo dưỡng, chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của người dân sau thời gian cả nước tập trung chống dịch. |
Ông Nguyễn Tiến Đô, Phó phòng Kỹ thuật Trung tâm bảo dưỡng ngoại trường Hà Nội, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) thông tin: “Để máy bay khai thác an toàn sau một thời gian nghỉ, chúng tôi phải bảo dưỡng lại toàn bộ để đảm bảo mọi bộ phận hoạt động trở lại một cách tốt nhất.
Hiện tại ở sây bay Nội Bài có khoảng 25 chiếc máy bay đang chờ bảo dưỡng. Ngày trước, tất cả các máy bay luôn ở trong trạng thái sẵn sàng bay, nhưng bây giờ đang ở trạng thái bảo quản, công việc của chúng tôi thay đổi rất nhiều.
Như trước đây, khi máy bay hoạt động thường xuyên, mỗi lần bảo dưỡng chỉ khoảng 1 giờ là có thể cho máy bay quay trở lại bầu trời. Hiện tại, có nhiều tàu bay khoảng 3 tháng chưa hoạt động, để bảo dưỡng theo yêu cầu của nhà sản xuất sẽ mất rất nhiều thời gian. Ví dụ như phải đưa vào hang ga, kích máy bay lên để thu thả hệ thống càng, và một số các hệ thống đặc biệt khác,... Chúng tôi cần 3 - 4 ngày để hoàn thành việc bảo dưỡng một chiếc máy bay như vậy”.
Với nguyên tắc “An toàn là số 1”, các tàu bay đều được kiểm tra kỹ thuật và bảo dưỡng kỹ lưỡng trước khi cất cánh. Đây là công tác đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm an toàn bay. |
Bạt che động cơ được gỡ bỏ khi tàu bay chuẩn bị khai thác trở lại. Các động cơ tàu bay sẽ phải trải qua một số công tác kiểm tra, bảo dưỡng và nổ máy thử để đảm bảo khả năng cất cánh an toàn. |
Các động cơ tàu bay được kiểm tra, bảo dưỡng và nổ máy thử để đảm bảo khả năng cất cánh an toàn. |
Kiểm tra dây bảo hiểm của động cơ máy bay Airbus A321. |
Những bộ phận khác của tàu bay như lốp, phanh,... cũng được kiểm tra tỉ mỉ trước khi tàu bay được đưa vào khai thác. |
Nhân viên kỹ thuật tháo phanh, bánh để kiểm tra cấu trúc càng. |
Ngày 2/10, Cục Hàng không Việt Nam có công văn gửi UBND TP Hà Nội xin ý kiến về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ đi, đến Hà Nội trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Theo Cục Hàng không, nghị quyết kỳ họp Chính phủ tháng 9/2021 giao Bộ Giao thông vận tải, chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, các thành phố lớn là đầu mối giao thông trong nước và quốc tế trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng đánh giá tình hình mở lại các tuyến giao thông huyết mạch, đảm bảo thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép".
Thực hiện chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và chủ tịch UBND TP Hà Nội, trên cơ sở hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 30/9, Cục Hàng không đã trao đổi với Sở Giao thông vận tải Hà Nội về việc mở lại các loại hình vận tải hành khách.
Qua đó, Cục Hàng không gửi UBND TP Hà Nội kế hoạch khai thác vận tải hàng không nội địa giai đoạn 1, dự kiến áp dụng từ 5/10/2021 với các thông tin về đường bay, hãng khai thác, tần suất đi, đến cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đề nghị UBND TP Hà Nội cho ý kiến.
Theo kế hoạch của Cục Hàng không, từ ngày 5/10 sẽ khai thác 91 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày trên đường bay giữa Hà Nội với 17 đường đến và đi với các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Kiên Giang (Phú Quốc, Rạch Giá), Nghệ An, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Quảng Nam, Cần Thơ, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Các đường bay trên sẽ do các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines khai thác. Trong đó đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM có tần suất khai thác nhiều nhất với 28 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Bảo Khánh