Hôi của: Ông già 70 tuổi phải học em bé 5 tuổi
Trao đổi với PV Infonet, Thạc sỹ Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, qua câu chuyện “hôi của”, nhìn từ khía cạnh giáo dục và văn hóa, nhiều khi ông già 70 tuổi vẫn phải học em bé 5 tuổi.
Thưa thầy, nhìn từ câu chuyện "hôi của”, xét ở góc độ văn hóa, thầy có ý kiến gì?
Những vụ “hôi của” khi xe gặp nạn gần đây, theo tôi đây là điều đáng buồn của người Việt. Ở đây có mấy khía cạnh sau, người Việt có tâm lý không giữ gìn của công, hay tham gia những vụ việc có tính đám đông.
Thứ nhất là chúng ta còn đói, nghèo. Từ đói nghèo nảy sinh lòng tự ti, và từ tự ti nảy sinh ra không tôn trọng mình, mất tự ti và sẽ ham muốn những thứ bình thường và tầm thường. Không đề cao tính nhân bản trong con người đối với chính mình. Đôi khi những của đi hôi chẳng đáng giá trị gì nhiều đâu! Nhưng vẫn cứ thích vì nó không mất tiền.
Thứ hai là xuất phát từ tâm lý đám đông, a dua ảnh hưởng từ nền văn minh lúa nước phong kiến lâu đời. Tâm lý này ăn sâu vào tiềm thức người Việt mà bắt đầu tư văn hóa làng xã. Trong đó nét đặc trưng của văn hóa làng xã là dòng tộc và họ mạc. Mà dòng tộc họ mạc thì họ nào nhiều chi, nhiều nhành là lớn. Mà lớn cứ ông trưởng tộc làm gì là anh em làm theo. Câu chuyện "hôi của" xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu từ 2 yếu tố trên.
Nếu đem câu chuyện người lớn “hôi của” so với trẻ em nhặt được ví tiền trả lại người mất, sẽ thấy có vấn đề bất thường. Làm sao để dạy trẻ em bây giờ nếu người lớn không gương mẫu?
Hành động trẻ em nhặt được của rơi rồi đem trả lại cho người bị mất, theo tôi, những trẻ em đó đã được giáo dục bài bản trong từng gia đình và ở cả nhà trường. Và phần đông đó là những trẻ em ở trong gia đình cơ bản, đầy đủ, thoát lý được cái tự ti, thoát ly được cái đói nghèo, tầm thường và bình thường…
Cùng với đó là tác động của văn hóa làng xã. Nhưng các em là sản phẩm của sự giáo dục ở nhà trường và gia đình rất tốt mới tạo lên những trẻ em có nhân cách tốt như vậy.
Theo thầy Trung, nhìn từ câu chuyện hôi của, ông già 70 tuổi có lẽ vẫn phải học trẻ 5 tuổi |
Rõ ràng chúng ta phải nhân rộng điển hình, và theo quy luật ở đời là người ít tuổi học người lớn tuổi là chuyện bình thường. Và qua câu chuyện “hôi của” này, hay ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, trong xã hội phát triển như hiện nay, có lẽ ông già 70 tuổi vẫn phải học một em bé 5 - 7 tuổi ở một đức tính, hành động nào đó...
Giờ không còn câu chuyện con phải học cha, học mẹ, học anh, học em… mà đôi khi phải học ngược trở lại. Và quan điểm của xã hội phải quay ngược trở lại.
Trong trường học cũng vậy, đôi khi thầy phải học từ trò những đức tính tốt đẹp, hành động đẹp… như thế mới là xã hội, trường học tốt. Như thế mới là xã hội công bằng và liên tục vận động và phát triển.
Trước đây chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều từ đạo Nho Giáo của Khổng Tử. Nhưng Khổng Tử ở trình độ khác, và mặt bằng dân trí thời đó thấp hơn rất nhiều. Chứ bây giờ làm gì có Khổng Tử nào hơn được hẳn học trò của mình.
Vì vậy, quan niệm không chỉ học tập một chiều, truyền thụ một chiều mà tóm lại học tập lẫn nhau. Học cái đẹp, cái đúng, cái thiện… và bài trừ những cái xấu.
Theo thầy, làm thế nào chúng ta giáo dục các đức tính trung thực cho học sinh từ nhỏ cũng như giáo dục chính người lớn đức tính này?
Điều này rất quan trọng. Trước hết cha mẹ, ông bà làm gương cho con cháu. Anh chị phải làm gương cho các em, đến trường thầy cô giáo phải làm gương cho trò noi theo. Qua câu chuyện “hôi của” chúng ta phải có sự giáo dục tuyên tuyền, bên cạnh đó phải có chế tài pháp lý.
Một vụ hôi bia xấu hổ sau vụ tai nạn của người dân, mặc dù chủ xe khóc lóc van xin |
Muốn giáo dục cho con người trung thực, anh phải tạo ra hành lang pháp lý, tất cả mọi hoạt động xã hội anh phải khắc phục tối đa được tính gian dối và khi có gian dối thì phải xử thật nghiêm… Lúc đó, tính gian dối sẽ triệt tiêu.
Trong học hành và thi cử của mỗi học sinh, giải quyết sự thiếu trung thực bằng cách nào, thưa thầy?
Trong thi cử chúng ta cũng vậy! Muốn hạn chế gian dối chúng ta tăng cường ra đề thi có tính mở để tăng cường tính học tập, chủ động của học sinh. Kiểm tra kiến thức tổng hợp độc lập thì học sinh có cho mang tài liệu và cũng chả biết làm thế nào?
Chứ ra đề kiểu học thuộc lòng như vẹt, học sinh có thể quay ngang, quay ngửa, hỏi bạn và mang tài liệu vào phòng thi thì làm gì học sinh trả gian dối.
Thưa thầy, việc người dân tham gia “hôi của” có phần nào từ việc nền giáo dục còn chạy theo bằng cấp?
Chỉ đúng phần nào thôi! Và có sự liên đới. Tức là vô hình chung chúng ta đã tạo ra một nền giáo dục và nền văn hóa ràng buộc lẫn nhau từ lâu. Xét riêng về nền giáo dục ở ta từ lâu chay theo việc trọng và sính bằng cấp. Học để lấy bằng, thi để lấy bằng cho nên học sinh tìm mọi cách để có… thi cử mang phao, gian dối tìm mọi cách để làm bài, hoặc chạy chọt để có.
Ngoài ra, đất nước còn đói nghèo, ảnh hưởng của nền văn hóa lúa nước thì khi học sinh cầm được bằng ra đời ngộ nhận giá trị vật chất trong hành trang làm người, vì thế mới có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, coi đồng tiền và vật chất là tất cả, quyết định giá trị cuộc sống của con người. Và suy cho cùng cơ bản bắt nguồn từ 2 yếu tố, giáo dục là một và văn hóa là hai.
Giáo dục có thể thay đổi được, chúng ta phải mất khoảng 30 năm, nhưng văn hóa thì rất lâu, vì vậy song hành với việc cách tân giáo dục thì văn hóa cần phải đổi mới rất nhanh. Vì văn hóa tác động đến suy nghĩ, tinh thần cách nghĩ, nếp nghĩ của mỗi con người, mà văn hóa của VN do ảnh hưởng của điều kiện lịch sử. Hơn nữa, chúng ta mới hội nhập cho nên việc tiếp thu những văn minh thế giới chưa đảm bảo đúng khoa học và trật tự.
Xin cảm ơn thầy!