Học sinh than 'đuối' khi theo lớp học chắp vá on-off
Do lớp học ngày càng ít học sinh đến học trực tiếp nên nhiều trường đã kết hợp dạy học vừa online vừa offline. Tuy nhiên, nhiều học sinh than "đuối" khi theo học các lớp học chắp vá này.
Hiện nay Hà Nội mỗi ngày ghi nhận hàng chục nghìn ca F0, đặc biệt là số ca F0 trong trường học tăng cao, có những trường 50% học sinh thuộc diện F0, F1 nên nhà trường phải kết hợp dạy song song cả hai hình thức là online và offline. Thế nhưng việc dạy học theo cả hai hình thức liệu có hiệu quả?
Em Trần Minh Phong - học sinh THPT trên địa bàn quận Nam Từ Liêm cho biết, em vừa trở lại trường được một tuần thì lớp học đã chuyển hình thức học "on-off" song song.
“Lớp em có 20/50 học sinh thuộc diện F0, F1, trong đó có em nên chúng em sẽ học trực tuyến ở nhà, theo dõi bài giảng của giáo viên trên lớp.
Học sinh ở nhà rất thiệt thòi vì phải học theo hình thức "2 trong 1". Cô giáo có trách nhiệm livestream tiết dạy trực tiếp trên lớp cho những bạn ở nhà cùng theo dõi.
Tuy nhiên lớp học "on-off" rất ồn, nhiều khi em không thể nghe rõ lời thầy cô giảng bài. Đó là chưa kể gián đoạn buổi học do hệ thống đường truyền nên việc học gần như không hiệu quả.
Chỉ một số môn thầy cô giáo tự đầu tư máy móc, dạy song song cùng lúc vừa trực tiếp vừa trực tuyến thì ổn hơn. Thế nhưng thời gian cô giáo lắp máy móc chuẩn bị cho buổi học cũng mấy 15 phút của tiết học”, Phong chia sẻ.
Một lớp học "on-off" |
Chỉ sau vài ngày được đến trường học trực tiếp, Trần Hà Giang - học sinh huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã phải trở về nhà học online vì tiếp xúc với F0 tại lớp học.
“Thuộc diện F1 nên theo quy định em phải học trực tuyến ở nhà 5 ngày. Em vừa hí hứng test vẫn 1 vạch để hôm sau lên lớp thì ngay hôm sau lại tiếp tục va phải một bạn F0 nữa. Vậy là em lại ở nhà học trực tuyến nhưng kiểu học nửa trực tuyến, nửa trực tiếp rất khó chịu. Thà cả lớp cùng học online như trước kia còn hơn", Giang nói.
Cũng theo lời kể của nữ sinh này thì nhà trường đã tạo điều kiện để học sinh thuộc diện F vẫn có thể học tại nhà bằng cách lắp đặt hệ thống camera tại lớp học nhưng việc học không hiệu quả.
"Khổ nhất là gián đoạn kết nối, em không nghe rõ lời cô hoặc không thể nhìn thấy chữ viết trên bảng. Nếu học sinh không tự giác phản ánh hoặc hỏi lại giáo viên, thầy cô cũng không thể nắm bắt được.
Giáo viên cũng không thể bao quát được hết học sinh như khi chỉ dạy theo một hình thức. Nhiều thầy cô cũng tâm sự với chúng em là đang bị quá tải”, Giang buồn rầu kể.
Bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh thừa nhận việc dạy "on-off" như hiện nay không khả thi và ảnh hưởng đến cả 2 nhóm học sinh.
"Thầy cô đợi được các em học online vào lớp, nhìn được hình, nghe được âm thanh thì học sinh học trực tiếp lại phải ngồi đợi rất mất thời gian.
Chưa kể, hầu hết các trường học hiện nay đường truyền mạng chưa thể đảm bảo cho việc học on – off linh hoạt. Có những lúc, wifi của trường không thể tải nổi do có quá nhiều thiết bị cùng truy cập một lúc, làm gián đoạn việc học của cả 2 phía.
Do đó, nguyện vọng chung của giáo viên và phụ huynh là nếu đã học online thì sẽ học online toàn bộ để phụ huynh, học sinh xác định rõ, ổn định trong việc học tập. Vậy nên trường Lương Thế Vinh đã mạnh dạn thích ứng linh hoạt chuyển sang hình thức học trực tuyến 100%”, bà Na nói.
Giáo viên vận dụng hết 'công lực' để dạy học kiểu '2 trong 1'
Sau vài tuần học sinh trở lại trường, số ca F0, F1 tăng nhanh khiến nhiều phụ huynh không yên tâm cho con trở lại trường. Giáo viên và học sinh cùng quay cuồng trong việc dạy song song "on-off".
Hoàng Thanh