Học sinh nhổ tóc bạc cho thầy trong giờ học: Mong một kết thúc có hậu
TS tâm lý Vũ Mạnh Hà |
Cuối giờ trưa 22/3, thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng trường tiểu học Quỳnh Thắng A, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho Infonet biết: Hiện nhà trường vẫn đang xem xét sự việc của thầy Tưởng, sai đến đâu xử lý đến đó chứ chưa đưa ra hình thức kỷ luật nào. Thầy Dũng cũng cho biết thêm, sau hôm xảy ra sự việc thầy Tưởng cũng xin nghỉ một ngày, sau đó có đi làm lại một hôm. Từ đó cho đến nay, thầy Tưởng vẫn xin nghỉ.
Xung quanh việc kỷ luật như thế nào đối với giáo viên này, nhiều giáo viên cũng rất quan tâm và chờ kết luận của nhà trường. Nhiều người mong đợi một kết thúc có hậu.
Hành động của học sinh đáng được tuyên dương
Đó là quan điểm của TS tâm lý Vũ Mạnh Hà, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên VN xung quanh câu chuyện một thầy giáo tiểu học ở Nghệ An đã để học sinh bóp đầu, nhổ tóc bạc trong giờ học khiến BGH nhà trường đang tìm cách giải quyết. TS Hà cho hay, sẽ xảy ra 2 trường hợp:
Thứ nhất, nếu đúng là thầy giáo bắt học sinh nhổ tóc bạc hoặc làm việc gì đó ngoài việc học trong giờ thì rõ ràng vi phạm quy định của ngành. Đương nhiên thầy giáo phải chịu kỷ luật là đúng.Việc xác minh điều này không khó, chỉ cần BGH nhà trường hỏi các học sinh trong lớp là biết ngay.
Trường hợp thứ 2, nếu thầy giáo mệt thật (điều này được xác nhận của các học sinh trong lớp) mà nhà trường đem thầy ra để kỷ luật là không nên. “Rõ ràng đánh giá hành vi của một con người cần phải tìm xem nguyen nhân của nó, động cơ đằng sau hành vi đó là gì? Nếu nhà trường không cân nhắc, tìm hiểu kỹ một cách khách quan sẽ làm tổn thương học trò và bản thân thầy giáo”- TS Hà phân tích.
Quan điểm của TS Hà được nhiều giáo viên tán đồng khi phóng viên Infonet phỏng vấn về vấn đề này. Hầu hết các thầy cô đều cho rằng, nếu thầy bị mệt thật thì hành động của em học sinh kia đáng được tuyên dương. Bởi hiện nay, do nhiều tác động từ gia đình, từ xã hội, tình cảm thầy trò không còn được như xưa, thậm chí vô cảm hơn.
“Nhiều khi gặp cô, trò còn giương mắt lên chào. Nếu thầy cô mà nghiêm khắc còn bị dứ nắm đấm, thậm chí chửi sau lưng. Chính vì thế mà càng ngày giữa học sinh và thầy cô giáo càng có hố ngăn cách. Không dễ gì học sinh trút bầu tâm sự. Vì thế để được học sinh bóp đầu hay nhổ tóc bạc gần như là điều xa xỉ. Điều này thể hiện sự thân mật, gần gũi của học trò”- cô Phan Thu Hường, giáo viên trường THCS Thăng Long nói.
Cần thận trọng khi ra hình thức kỷ luật
TS Hà cũng cho rằng, Hội đồng sinh hoạt nhà trường cần phải rất thận trọng khi tuyên bố sẽ kỷ luật thầy giáo này. Bởi vì kỷ luật một con người không đơn giản là ban hành kỷ luật là xong. Nó còn liên quan đến nhiều yếu tố như tâm lý, giáo dục. Nếu thầy giáo bị hàm oan có những hành động bột phát sau khi chịu kỷ luật thì nhà trường làm sao giải quyết nổi? Vì thế theo TS Hà, chỉ căn cứ vào hình ảnh trong clip để kỷ luật là không ổn.
“Nhà trường hết sức thận trọng, cho dù sai hay không sai cũng phải chọn hình thức kỷ luật cho phù hợp, không nên nhân chuyện này mà hạ nhục nhau. Ngay cả nếu thầy giáo này sai thì việc kỷ luật cũng nên được tiến hành kín đáo, không nên bêu xấu nhau ra chỉ để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kỷ luật là tạo cơ hội để thay đổi, sửa chữa” – TS Hà nhấn mạnh.
Bổ sung thêm ý kiến này, một giáo viên cũng cho rằng nếu kỷ luật thầy giáo vô tình làm tổn thương cả học trò lên giúp thầy, đi ngược lại mục đích giáo dục. Bởi mục đích của giáo dục là dạy học trò tình yêu thương thiên nhiên, yêu bố mẹ, ông bà, gia đình, thầy cô giáo… Nếu kỷ luật thầy chẳng khác nào bảo học trò thôi hành động nghĩa hiệp khi gặp người bị nạn, mà cụ thể trong môi trường nhà trường, trò sẽ dửng dưng với thầy cô, bạn bè khi gặp sự cố.
Trả lời câu hỏi, vậy thầy giáo quay clip này có đáng lên án, TS Hà cho rằng, người ta có quyền được phản ánh. Khi thầy giáo phát hiện điều gì bất thường có quyền quay phim, chụp ảnh.
Nếu hành vi của người quay clip nhằm động cơ trả thù nhỏ nhen thì người thầy giáo quay clip này không xứng đáng.