Học sinh làm phim về môi trường và gia đình thắng giải KWN 2018
Đây cũng là năm đầu tiên các nhà làm phim nhí KWN có chuyến quay phim dã ngoại tại Mai Châu (Hòa Bình) với nhiều hoạt động và kỷ niệm đáng nhớ. |
Kết quả chung cuộc, hai đội làm phim từ trường Tiểu học Thịnh Quang và THCS Archimedes Academy đã giành giải Nhất ở hai lứa tuổi Tiểu học và Trung học, sẽ đại diện Việt Nam tham gia Vòng chung kết và lễ trao giải toàn cầu dự kiến tổ chức tại Nhật Bản vào mùa hè 2019.
Trong 12 năm qua, chất lượng cuộc thi tăng dần cả số lượng học sinh, chất lượng kịch bản, chủ đề hấp dẫn. Cuộc thi năm nay có 3 chủ đề là Môi trường, Giao tiếp và Thể thao, phản ánh những góc nhìn trong trẻo, mới mẻ và cách thể hiện độc đáo của chính những bạn nhỏ về cuộc sống.
Sự đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản với nhiều thể loại mới bao gồm phim ngắn, tài liệu, phóng sự, cùng chất lượng hình ảnh chuyên nghiệp nhờ những thiết bị ghi hình và nghe nhìn hàng đầu của Ban Tổ chức cho thấy sự nghiêm túc và say mê của các bạn trẻ với bộ môn nghệ thuật thứ 7. Mỗi bộ phim là một cách tiếp cận độc đáo. Chẳng hạn như, để thực hiện phim tài liệu “Tìm hiểu ngôn ngữ giao tiếp của người Mường”, các bạn học sinh trường Tiểu học Spring Hill đã tới thực địa tại bản Giang Mỗ, Hòa Bình để tìm hiểu, làm phim và phỏng vấn người dân địa phương về tầm quan trọng của việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số.
Thuyết phục hoàn toàn ban giám khảo bằng kịch bản và hình ảnh quay chất lượng, giải Nhất lứa tuổi tiểu học đã thuộc về đội Tiểu học Thịnh Quang với bộ phim “Chúc mừng sinh nhật”, kể về câu chuyện giàu cảm xúc của cậu bé Nam được cô giáo và các bạn chia sẻ về “Ngày chúng ta sinh ra đời” sau những hờn dỗi với bố mẹ. Trong ngày sinh nhật của mẹ, cậu dành tặng mẹ món quà nhỏ bằng số tiền dành dụm bấy lâu và lời thì thầm yêu thương: “Ngày sinh của con cũng chính là ngày kỷ niệm của mẹ con mình, mẹ nhé!”
Giải Nhất lứa tuổi Trung học thuộc về đội THCS Archimedes Academy nhờ sự sáng tạo trong kịch bản và cách thể hiện. Bằng lời tự thuật của chú cá vàng trong ngày ông Công ông Táo, câu chuyện kể về hành trình của chú từ lúc bị đem ra chợ bán, đến khi bị thả ra những dòng sông bị ô nhiễm cùng rất nhiều những chú cá vàng khác trong ngày 23 tháng Chạp. Chú mơ thấy mình được tự do bơi lội trong một dòng nước trong xanh và sạch sẽ. Bộ phim như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng của trẻ thơ về ý thức bảo vệ môi trường.
Với KWN 2018, lần đầu tiên các bạn học sinh được tham gia Chương trình quay phim - dã ngoại tại Bản Lác, Mai Châu vào tháng 6 năm 2018. Đạo diễn Anh Tuấn, Đại học sân khấu điện ảnh, người đồng hành cùng Panasonic KWN 2018 chia sẻ: “Đây là cơ hội để các bạn thực hành quay các thước phim ngoại cảnh sinh động, hấp dẫn và bổ trợ rất nhiều cho những buổi đào tạo tại studio. Ngoài ra, các bạn nhỏ còn được gặp gỡ với các diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng và giao lưu với các đội thi từ nhiều trường khác nhau.”
Ông Kazuhiro Matsushita, Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam - đơn vị tổ chức cuộc thi chia sẻ: “Từ 2006 đến nay, chương trình làm phim Panasonic Qua ống kính trẻ thơ KWN đã thu hút hơn 17.000 học sinh từ gần 100 trường học của Việt Nam tham gia. Chúng tôi mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam thông qua nỗ lực đồng hành cùng thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước nhiều tiềm năng này”.