Học sinh Hà Nội và TP.HCM đi học lại sau Tết thế nào?
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, dự kiến học sinh nhiều khối lớp trên địa bàn Hà Nội và trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 tại TP. HCM sẽ quay lại trường.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, dự kiến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời gian khoảng từ 7/2-8/2, Hà Nội sẽ tổ chức dạy học trực tiếp với học sinh nhiều khối lớp từ THCS-THPT.
Hiện nay, toàn TP. Hà Nội đã có 99,6% giáo viên đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Với học sinh THPT, có 99,6% học sinh đã tiêm mũi 1, 97% đã tiêm mũi 2. Với học sinh THCS, toàn thành phố có 99,5% đã tiêm mũi 1, 97,3% đã tiêm mũi 2.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, tỷ lệ tiêm vắc xin này đảm bảo yên tâm dạy và học trong thời gian tới. Hiện nay, Hà Nội đang tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tại những quận, huyện, thị xã đủ điều kiện an toàn được đến trường học trực tiếp.
Dự kiến, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ khoảng 7/2-8/2, Hà Nội sẽ tổ chức dạy học trực tiếp với học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 đồng thời đưa ra phương án đảm bảo an toàn nhất cho học sinh.
Ảnh minh họa |
"Một trong những nội dung Hà Nội chỉ đạo quyết liệt là nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền sở tại trong việc cho học sinh đi học trực tiếp, cấp ủy và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để bùng phát dịch trở lại. Nếu không có gì thay đổi, sau Tết Âm lịch, Hà Nội sẽ triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ về mở cửa trường học", ông Trần Thế Cương cho biết.
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về đề xuất cho trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 đi học lại từ ngày 14/2 (sau Tết Nguyên đán năm 2022).
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, hiện trẻ trong độ tuổi từ nhà trẻ đến lớp 6 tại TP.HCM chưa được đến trường. Điều này khiến một lực lượng lớn lao động là phụ huynh chưa thể tham gia lao động trực tiếp.
Hơn nữa, việc ở nhà học trực tuyến thời gian dài khiến học sinh phát sinh nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần như thừa cân, béo phì, tật khúc xạ, ù tai… Ngoài ra, với học sinh lớp 1, 2 và lớp 6, đây là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, việc ở nhà học trực tuyến kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo chất lượng nội dung chương trình.
Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị các cơ sở giáo dục mầm non cần chuẩn bị kỹ việc đón trẻ đến trường và chuẩn bị cho trẻ kỹ năng sống thích ứng an toàn với dịch.
Đặc biệt, đối với các nhóm trẻ tư thục, ngoài công lập cần phải làm chặt chẽ, đảm bảo tối đa, an toàn cho công tác phòng chống dịch COVID-19 là trên hết, phải đảm bảo nghiêm túc 5K theo yêu cầu của ngành y tế.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc đón trẻ trở lại trường, Sở GD&ĐT TPHCM đã yêu cầu các phòng GD&ĐT có văn bản gửi lãnh đạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị không tiếp tục sử dụng các trường mầm non làm điểm tiêm vắc xin để thực hiện việc sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất chuẩn bị cho học sinh đi học lại.
Ông Nam cũng cho hay, việc đi học lại của trẻ mầm non là trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, không ép buộc.
Trường Đại học Ngoại thương đã thông báo kế hoạch học tập của sinh viên, học viên các hình thức/trình độ đào tạo sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2022.
Theo đó, sinh viên đại học chính quy các khóa K60, K57, sinh viên hình thức vừa làm vừa học, học viên sau đại học, học tập trung từ ngày 16/2/2022 (tức ngày 16 Tết âm lịch).
Sinh viên đại học chính quy các khóa K58, K59, sinh viên các chương trình đào tạo quốc tế học tập trung từ ngày 1/3/2022 (trong thời gian từ 14/2/2022 đến 28/2/2022, sinh viên tiếp tục học trực tuyến theo thời khóa biểu từ đầu học kỳ).
Đối với cơ sở Quảng Ninh, sinh viên, học viên các hình thức/trình độ đào tạo học tập trung từ ngày 16/2/2022 (tức ngày 16 Tết âm lịch).
Như vậy, đây là trường đại học lớn đầu tiên ở Hà Nội thông báo lịch đi học lại của sinh viên sau Tết Nguyên đán 2022. Hầu hết trong học kỳ I, các trường đại học ở Hà Nội đều cho sinh viên học trực tuyến, số ít trường chỉ cho sinh viên đến trường thực hành, làm thí nghiệm.
Mở cửa trường học sau Tết: Nhiều địa phương vẫn sợ trách nhiệm?
Thực tế ở một số tỉnh, nhiều khu vực đang có dịch cấp độ 2, 3 vẫn “án binh, bất động” không cho học sinh tới trường vì... sợ trách nhiệm.
Hoàng Thanh