Học sinh có cần đến trường trong kỷ nguyên AI?
Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi: với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI), học sinh có cần đến trường? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã có một thử nghiệm nhỏ, đó là nhờ ChatGPT trả lời câu hỏi 'Giáo viên có thể ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào công việc giảng dạy đại học như thế nào?'.
ChatGPT đã đưa ra 5 đáp án mà tôi bị thuyết phục vì chúng đều đúng và có thể thực hiện được, tuy nhiên các đáp án chỉ ở mức độ cơ bản.
Điều này khiến chúng ta nhận thấy có những điều phải thực hiện dựa trên nghiên cứu sâu, phải tìm hiểu thực tế trên diện rộng, phải có am hiểu về ngôn ngữ và văn hóa mới có thể áp dụng thực tế và mang lại thay đổi sâu sắc. Những điều này ChatGPT chưa thể làm được vì vẫn đang tổng hợp và sử dụng những dữ liệu có sẵn.
Nếu học sinh, sinh viên ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo vào việc học để hỗ trợ việc học tập thì tôi cho rằng đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng nếu coi đó như một công cụ “học thay’’ để các em không cần học, không cần đến trường nữa thì tôi nghĩ là không thể”.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền phân tích trên thực tế, có rất nhiều vấn đề chúng ta không thể giải quyết một mình, chúng ta cần đội nhóm, cần những ý kiến trái chiều hay phản biện để dự án phát triển hơn. Đó là điều ChatGPT không thể làm thay con người được.
Hiện nay có một số quốc gia đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT để viết bài luận.
Chia sẻ về vấn đề này tại buổi Hội thảo “Học sinh có cần đến trường trong kỷ nguyên AI” diễn ra tại Trường Phổ thông liên cấp Edison, bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam - khẳng định việc cấm những gì đã có sẵn trong cuộc sống thực ra chỉ càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn.
“Tôi cho rằng cách đánh giá sinh viên, giáo trình đại học cũng như bài giảng của giảng viên phải thay đổi vì thực tế hiện nay, máy móc học nhanh hơn mình rất nhiều, machine learning học 24/7 với tốc độ gấp hàng triệu lần chúng ta nên AI còn đi rất xa”, bà Đàm Bích Thủy nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng cách đặt câu hỏi của giảng viên trong quá trình đánh giá kết quả học tập của sinh viên quan trọng hơn là việc cấm các công cụ số.
“Khoảng 15 năm nay, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn không tổ chức các kỳ thi học kỳ theo kiểu sinh viên ngồi viết tiểu luận trong lớp hay đọc hiểu, ghi chép như ngày xưa. Phần lớn chúng tôi giao cho các em những bài tập, dự án làm việc theo nhóm.
Ngay từ đầu học kỳ, các em đã biết mình sẽ phải làm sản phẩm gì và sẽ được đánh giá ra sao kể cả khi bài học chưa bắt đầu. Điểm đánh giá ngoài kiến thức còn cần cả tinh thần làm việc nhóm, quản trị nhóm, rồi trình bày, phát biểu… Mỗi bài thi cuối kỳ như một bài thuyết trình về dự án các em đã làm và không dừng ở thuyết trình, mô phỏng nữa mà phải tạo sản phẩm thực tế”, PGS.TS Huyền cho hay.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền nêu ví dụ đối với những môn học về chiến dịch truyền thông hay tổ chức sự kiện, sinh viên phải làm thật, phải đầu tư thật, phải bán được sản phẩm. Cách làm này cũng giúp khai phá những điểm riêng của từng cá nhân.
Thầy và trò cùng nhau kiến tạo các công cụ, tài liệu hay cả cách đánh giá. Trước đây, chỉ có giảng viên đánh giá sinh viên nhưng hiện nay, cả 3 bên cùng đánh giá.
"Đầu tiên là giảng viên, thứ hai khách hàng của chúng tôi. Ví dụ doanh nghiệp vào đặt đầu bài cho chúng tôi, chúng tôi xử lý đầu bài thực tế chứ không phải do giảng viên tưởng tượng ra. Doanh nghiệp đánh giá sinh viên tốt thì sẽ tuyển dụng.
Và chính các bạn sinh viên cũng tham gia vào việc đánh giá. Những ví dụ như vậy để chúng ta hiểu rằng chúng ta phải thay đổi từng người một, từng vị trí một. Đối với một giảng viên đại học, chúng tôi luôn phải học thêm, cập nhật thêm và ChatGPT chỉ là một trong những công cụ hỗ trợ chúng tôi", PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền nói.
Hoàng Thanh