Giữa 'bão' ChatGPT, ngành thạc sĩ về AI tuyển sinh quy mô lớn chưa từng có
Trọng điểm đào tạo AI
Đại học Texas (thủ phủ Austin của tiểu bang Texas) là một trong những trường khoa học máy tính hàng đầu của Mỹ. Trường đang bắt đầu đào tạo một chương trình thạc sĩ trực tuyến quy mô lớn và chi phí thấp về trí tuệ nhân tạo (AI).
Đại học Texas là trường trọng điểm nghiên cứu AI của Mỹ. Năm 2020, Quỹ Khoa học Quốc gia đã trao cho trường khoản tài trợ trị giá 20 triệu USD để thành lập Viện nghiên cứu AI về học máy. Quỹ cũng tài trợ cho trường một phần để phát triển chương trình thạc sĩ trực tuyến về trí tuệ nhân tạo.
Đây là chương trình đào tạo trực tuyến quy mô lớn, giúp nhanh chóng mở rộng lực lượng lao động trong lĩnh vực AI, trong khi những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft đang đầu tư hàng tỷ USD vào ngành này.
Các quan chức Đại học Texas cho biết trường có kế hoạch đào tạo hàng nghìn sinh viên với học phí khoảng 10.000 USD. Khóa học bắt đầu từ mùa Xuân năm 2024.
Chi phí này được cho là phải chăng bởi chương trình Thạc sỹ khoa học (M.S) trí tuệ nhân tạo của Đại học Johns Hopkins ở mức hơn 45.000 USD.
Học viên sẽ tham gia các bài giảng video được ghi sẵn cùng với một số phiên tương tác với các giảng viên chuyên môn về khoa học máy tính và các lĩnh vực liên quan như kỹ thuật máy tính.
Chương trình bao gồm các khóa học nâng cao trong các lĩnh vực như học máy; AI ứng dụng trong y tế - sức khỏe; và vấn đề xử lý ngôn ngữ tự nhiên giúp các trợ lý giọng nói như Siri và Alexa hiểu được lời nói của con người.
Đặc biệt, mỗi khóa học cũng sẽ có bài giảng về đạo đức chuyên ngành để sinh viên hiểu được những hàm ý và tác động của hệ thống AI với xã hội.
“Trong mỗi lớp học, giảng viên sẽ yêu cầu sinh viên suy nghĩ về những lợi ích và tác hại có thể có của công nghệ mà họ đang nghiên cứu", Giáo sư khoa học máy tính Peter Stone, dạy khóa học về đạo đức công nghệ, cho biết.
“Những người phát triển thế hệ công nghệ tiếp theo, cũng như người dùng, cần có cái nhìn thực tế về những điểm mạnh và hạn chế của AI.”
Không yêu cầu bằng cử nhân liên quan
Giáo sư Don Fussell, trưởng khoa Khoa học máy tính, cho biết chương trình sẽ chính thức nhận hồ sơ vào tháng 6/2023 với mục đích tuyển hơn 2.000 sinh viên mỗi năm.
Để được nhận vào chương trình, sinh viên sẽ không bắt buộc phải có bằng cử nhân khoa học máy tính. Tuy vậy, họ cần phải có chuyên môn trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc máy tính. Các khóa học sẽ được cung cấp thông qua nền tảng edX.
Trước Texas, Viện Công nghệ Georgia là trường khoa học máy tính đầu tiên bắt đầu chương trình thạc sĩ trực tuyến vào năm 2014. Hàng ngàn sinh viên đã tốt nghiệp từ chương trình.
Vào năm 2019, Đại học Texas đã bắt đầu chương trình cấp bằng thạc sĩ trực tuyến quy mô lớn về khoa học máy tính, tiếp theo là chương trình thạc sĩ trực tuyến về khoa học dữ liệu vào năm 2021. Các chương trình có khoảng 2.800 sinh viên đăng ký.
Xu hướng dịch chuyển chuyên sâu AI
Theo The New York Times, việc tuyển dụng nhân lực AI chất lượng cao dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ bất chấp nhiều tranh cãi về công nghệ mới như ChatGPT "có thể thay thế con người" và một số công ty công nghệ lớn đang sa thải công nhân.
Những kỹ năng sáng tạo trong ngành AI có nhu cầu ngày càng cao. Các công ty công nghệ đang tranh giành để phát triển các Chatbot và các công cụ AI tiên tiến, như trường hợp của ChatGPT hiện nay.
Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu cảnh báo rằng việc vội vàng triển khai các hệ thống trí tuệ nhân tạo mới này có thể gây ra nhiều rủi ro.
Với tình trạng sa thải trên diện rộng tại Amazon, Google và các công ty công nghệ khác, chương trình thạc sĩ trực tuyến của Texas có thể giúp hàng chục nghìn nhân viên công nghệ thất nghiệp chuyển hướng chuyên sâu về AI.
“Nếu tình trạng sa thải này tiếp tục, chúng ta sẽ chứng kiến sự dịch chuyển của rất nhiều người từ nền tảng khoa học máy tính và công nghệ sang lĩnh vực AI", giáo sư Fussell nhận định.
Bảo Huy