Học ngôi trường điểm chuẩn thấp nhất, nam sinh vẫn trở thành thủ khoa đại học
Đây là kết quả khiến Thắng bất ngờ bởi “em luôn nghĩ có rất nhiều bạn lợi thế hơn em và không ít học sinh trường chuyên, lớp chọn có năng lực học tập rất xuất sắc”.
Trước đó, Thắng từng giành giải Nhất môn Vật lý trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố, nhưng chỉ dừng chân ở vòng 2 chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia.
Đến kỳ thi của ĐH Bách khoa Hà Nội, Thắng đặt mục tiêu “phải nỗ lực ở mức cao nhất”. Nam sinh sau đó đạt 96,49/100 điểm, cao nhất trong số gần 7.000 thí sinh dự thi và cũng là một trong 6 thí sinh hiếm hoi đạt điểm trên 90.
Với số điểm này, Duy Thắng đã “chắc suất” vào ngành Khoa học máy tính của trường.
Có năng lực học tập tốt và luôn nằm trong top đầu của lớp, Thằng từng khiến nhiều người bất ngờ vì “không thích học trường chuyên”. Nam sinh lựa chọn học tại THPT Ứng Hòa B vì ngôi trường này khá gần nhà. Dù học “trường làng” nhưng theo Thắng, đó lại là một điều thuận lợi giúp em học đều các môn thay vì tập trung vào một vài môn chuyên cụ thể.
“Trước giờ, em không có tư tưởng mình chỉ cần học môn này mà bỏ qua môn kia. Vì thế, lên cấp 3, ngoài những môn trong tổ hợp xét tuyển đại học, em vẫn đầu tư vào các môn học khác để có thêm kiến thức nền tảng”.
Điều này đã trang bị cho Thắng lượng kiến thức rộng, đồng đều ở cả khối tự nhiên và xã hội. Giữa năm lớp 11, Thắng bắt đầu tìm kiếm một con đường khác để vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Biết tới kỳ thi đánh giá tư duy, nam sinh bắt đầu lên kế hoạch cụ thể, bên cạnh việc ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Thời điểm đó, thi đánh giá tư duy vẫn đang theo lối tự luận. Vì thế, ngoài định hướng ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, em vẫn tập trung rèn các bài theo hướng vận dụng và vận dụng cao”.
Trong đợt thi thử vào trường hồi tháng 4, Thắng từng đạt 88 điểm. Nhận thấy đề phù hợp với khả năng, Thắng bắt đầu cải thiện tốc độ làm bài để có điểm số bứt phá hơn trong lần thi thật.
Nam sinh đánh giá, đề thi tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội là một dạng đề mới, không có câu hỏi kiểu thuộc lòng. Do đó, thí sinh cần phải rèn luyện kỹ năng làm bài thay vì tìm kiếm những nơi có thể ôn luyện “trúng tủ”.
“Về phần Toán vốn yêu cầu tốc độ khá cao. Rất nhiều bạn em biết thậm chí không thể làm hết đề và phải bỏ lại khá nhiều.
Trước đây, khi bắt đầu luyện tập đề của ĐH Bách khoa Hà Nội, em cũng rơi vào tình trạng như thế. Em chỉ cắm cúi làm một số câu hỏi khó, nghĩ rằng mình sắp giải ra mà bỏ qua những câu hỏi dễ ở phía sau. Trong khi đó, thời gian trôi qua rất nhanh nên em không thể làm hết đề”, Thắng nói.
Sau đó, Thắng bắt đầu tập trung rèn tốc độ làm bài, phân bổ thời gian hợp lý, không cố chăm chú giải một câu hỏi khó quá lâu.
Với phần Đọc hiểu, nhiều câu trong bài có yếu tố gây nhiễu. Theo Thắng, thí sinh cần phải đọc kỹ, đầy đủ thông tin để phân tích, lấy dữ liệu trong bài, tránh lựa chọn nhầm đáp án.
Với phần Khoa học chủ yếu vận dụng tư duy. Muốn hoàn thành tốt, Thắng cho rằng thí sinh cần phải nắm chắc kiến thức nền tảng để giải quyết tốt được yêu cầu đặt ra.
“Nhìn chung đề thi của Bách khoa không khó, nhưng cần có kỹ năng làm bài tốt mới có thể hoàn thành các câu suy luận, tư duy bậc cao và đạt được mức trên 80 điểm. Nội dung kiến thức không chỉ tập trung vào lớp 12 mà còn phân bổ nhiều ở lớp 10, lớp 11”, Thắng nói.
Trước khi trở thành thủ khoa của kỳ thi đánh giá tư duy, Duy Thắng cũng đã trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật máy tính của trường nhờ phương thức xét tuyển tài năng với giải Nhất môn Vật lý trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố.
Chắc “suất” vào ngành học vốn có mức điểm chuẩn cao nhất tại ĐH Bách khoa Hà Nội hàng năm, với Thắng, áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT giờ đã “nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Dù vậy, em vẫn sẽ phải cố gắng để đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới”, Thắng nói.
Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định chuyển từ hình thức thi truyền thống như những năm trước thành hình thức thi trực tuyến trên máy tính với thời gian làm bài 150 phút. Ngày 8/7 tới, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức đợt thi cuối cùng. Giấy chứng nhận kết quả thi này sẽ có giá trị sử dụng trong vòng 2 năm để đăng ký xét tuyển vào nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước.
Thúy Nga