Hoạt động chui, sàn vàng vẫn ồ ạt tuyển nhân sự
Trái ngược với vẻ ảm đạm trên thị trường nhân sự nói chung, thời điểm cuối năm 2012, đầu năm 2013, các sàn giao dịch vàng trên địa bàn Hà Nội lại ồ ạt đăng tin tuyển nhân sự. Trong đó, nhiều công ty thậm chí còn không hạn chế số lượng tuyển dụng, hoặc không có thời hạn xét tuyển hồ sơ.
Theo một nhân viên trên sàn vàng có tiếng tại Hà Nội, sau khi Chính phủ ra quy định hạn chế việc giao dịch vàng miếng trên thị trường, các sàn vàng hoạt động tích cực hơn trong việc mở rộng bộ máy nhân sự với kỳ vọng siết vàng vật chất thì giao dịch ảo sẽ lên ngôi. Nhân viên này cho biết: “Trước đây sàn cũng giao dịch vàng miếng giống ACB (Ngân hàng cổ phần Á Châu), chỉ tuyển đại lý trong nước, nhưng mới đây cho nghỉ vàng trong nước thì đẩy mạnh mảng giao dịch vàng quốc tế, và tuyển thêm nhân sự".
Tuyển dụng ồ ạt, nhưng số lượng nhân viên trụ lại ở các sàn vàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: Người lao động |
Trước lo ngại sàn hoạt động chui không phép, nhân viên này khẳng định trên hợp đồng vẫn là giao dịch vàng trang sức vật chất. Thậm chí, "Công ty vàng trực thuộc công ty chứng khoán nên chuyện pháp luật hay tài chính đều được đảm bảo", nguồn tin này khẳng định.
Nhân viên của một sàn vàng trên đường Ngọc Khánh cho hay, trong khi công ty mạnh tay tuyển thêm nhân sự thì các nhân viên cũng được khuyến khích mở rộng diện công tác viên. “Giới thiệu người vào công ty, nhân viên sẽ được trích phần trăm hoa hồng từ giao dịch của những người mới này. Tuyển thêm càng nhiều người, đạt doanh số theo hạn mức quy đinh, nhân viên được lên làm tổ trưởng, và ký hợp đồng chính thức với công ty. Khi đó, người lao động mới được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thai sản… theo quy định của Luật Lao động và có cơ hội thăng chức”, vị này cho biết.
Trên các trang tuyển dụng của sàn giao dịch vàng, yêu cầu tuyển nhân sự khá chung chung. Thay vì nêu rõ công việc chính là môi giới giao dịch vàng, hầu hết các doanh nghiệp này đều mô tả theo kiểu tìm kiếm, chăm sóc, tư vấn cho khách hàng về sản phẩm. Mức lương, theo đó, cũng là thỏa thuận của các bên, với cam kết “hưởng phí hoa hồng cao và các chế độ phúc lợi khác”.
Chị Thanh, một cựu nhân viên từng làm việc cho sàn vàng trên đường Ngọc Khánh, Hà Nội cho biết, nguồn cộng tác viên được khuyến khích là sinh viên các trường đại học, tỷ lệ chia hoa hồng theo thỏa thuận của 2 bên, công ty không áp đặt quy định. Riêng với nhân viên tuyển dụng, trong vòng 2 tháng phải mở được ít nhất 1 tài khoản, và tài khoản này phải giao dịch ít nhất 5 lot, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng mà không có bồi thường.
"Hầu hết các nhân viên đều tự động rời khỏi công ty trước khi bị cho thôi việc bởi hiểu rõ doanh nghiệp hoạt động theo giấy phép chui, không nêu chế độ bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng. Mỗi tháng, doanh nghiệp trả lương cứng 2 triệu đồng, còn thu nhập từ môi giới được trả hoàn toàn bằng tiền mặt. Mỗi tháng, công ty mở vài lớp đào tạo nhân viên mới, số lượng tham dự cũng lên tới cả trăm người, nhưng sau 2 tháng, chưa tới 5% còn trụ lại công ty. Việc hoạt động không phép chính là rào cản lớn nhất khiến lượng người ‘ra – vào’ doanh nghiệp diễn ra liên tục trong thời gian dài”, chị Thanh chia sẻ.
Hạ Minh