Hình ảnh cuối của Trụ sở TAND TP. Hà Nội trước khi bị phá dỡ
Tòa nhà quen thuộc số 43 Hai Bà Trưng là trụ sở của TAND TP. Hà Nội trước khi bị phá dỡ. |
Được biết, trụ sở 43 Hai Bà Trưng thuộc quyền quản lý của Tòa án Nhân dân Tối cao, nằm liền kề (phía sau) trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao (số 48 Lý Thường Kiệt), do nhu cầu mở rộng, trụ sở 43 Hai Bà Trưng đã bị phá dỡ hoàn toàn.
Trụ sở mới của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội sẽ được xây dựng tại một địa điểm khác. Tuy nhiên, trước khi có “ngôi nhà” mới, TAND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục phải đi “ở nhờ” và hiện đã chuyển hẳn về một dãy nhà phía sau trong khuôn viên Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội (Ngõ 1, Phố Phạm Văn Bạch, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Dưới đây là một số hình ảnh ảnh cuối cùng được ghi lại tại trụ sở cũ của Trụ sở TAND TP Hà Nội tại 43 Hai Bà Trưng trước khi công trình mang kiến trúc Pháp cách tân này bị đập bỏ hoàn toàn:
Công trình đang trong giai đoạn phá dỡ. |
Tiến độ phá dỡ tại thời điểm cuối tháng 6/2019. |
Phòng xét xử 201, phòng xử có diện tích lớn nhất, nơi diễn ra các vụ xét xử "đại án" trong thời gian qua trước khi bị phá bỏ. |
Phiên tòa xét xử vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro diễn ra ngày 21/3/2019 là một trong những phiên tòa cuối cùng được xét xử tại trụ sở 43 Hai Bà Trưng. |
Mặt ngoài trụ sở TAND TP. Hà Nội, 43 Hai Bà Trưng trước khi bị phá dỡ. |
Căn phòng chính giữa của tầng 1 được dùng làm phòng khách. Trong những vụ xét xử "đại án", căn phòng này được sử dụng làm phòng tác nghiệp cho các phóng viên. |
Trụ sở 43 Hai Bà Trưng tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thủ đô, gần hệ thống các cơ quan Tư pháp Trung ương như: Tòa án nhân dân Tối Cao (liền cạnh), Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội.
Đặc biệt, trụ sở tòa án này ở vị trí ngã ba phố Hai Bà Trưng và phố Hỏa Lò - địa điểm của Di tích Lịch sử hạng đặc biệt cấp Quốc gia Nhà tù Hỏa Lò.
Những công trình liền kề này góp phần tạo nên một quần thể kiến trúc đặc trưng của khu “Phố Tây” - phố Pháp mang đậm dấu ấn lịch sử của Hà Nội những năm đầu thế kỉ 20.
Lối vào khu vực xét xử và khu văn phòng của TAND TP. Hà Nội. |
Tấm biển này được dựng lên sau khi TAND TP. Hà Nội di chuyển về nơi làm việc mới. |
Tiền sảnh công trình chụp từ phía ngoài vào. |
Nhìn chính diện công trình từ phố Hai Bà Trưng. |
Lối dẫn vào trụ sở tòa án. |
Lối vào khu xử án. |
Theo Quyết định số 4953/QĐ-UBND ngày 09/09/2016 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt “quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050”, yêu cầu chung đối với ngành tòa án là: Ngoài diện tích làm việc thông thường theo số cán bộ làm việc, cần bố trí các phòng chức năng đặc thù như phòng xử án, phòng nghị án, phòng viện kiểm sát, phòng luật sư, phòng công an dẫn giải, phòng họp báo, phòng hòa giải, phòng lưu phạm, phòng nhân chứng...
Các vị trí xây dựng cơ sở mới phải đáp ứng các tiêu chí về vị trí phù hợp với quy hoạch phát triển ngành; có quy mô về diện tích đất và các chỉ tiêu về sử dụng đất phù hợp với yêu cầu phát triển ngành; có điều kiện cơ sở hạ tầng tại khu vực phù hợp với yêu cầu trụ sở trong giai đoạn quy hoạch; Đáp ứng được các yêu cầu phát triển đặc thù và không tác động tiêu cực tới không gian đô thị đã được hoạch định trong các quy hoạch phát triển có liên quan. Ngoài ra, các cơ sở nhà đất cũ phải bàn giao cho địa phương quản lý hoặc chuyển đổi mục đích, đấu giá tạo nguồn vốn cho ngân sách nhà nước.
Trước đó, do nhu cầu sử dụng mở rộng, Trụ sở Tòa án Nhân dân TP.HCM - một công trình kiến trúc Pháp cũng được trùng tu và nâng cấp thay vì đập bỏ như ở Hà Nội.