Hiệu quả của nhà chòi, gác xép tránh lũ ở Nghệ An
Những nhà chòi tránh lũ (hay còn gọi là cồn tự cứu) đã giúp cho bà con vùng rốn lũ Hưng Nguyên (Nghệ An) tránh được thiệt hại khi lũ lụt xảy ra.
Một nhà chòi tránh lũ phát huy hiệu quả mỗi khi lũ lụt xảy ra tại xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. |
Trong 5 năm qua, 73 hộ nghèo vùng lũ xã Châu Nhân (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã được nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà chòi tránh lũ. Nhà chòi thường được xây dựng trên nền đất cao khoảng 2,5-3m so với mặt đất, có tầng gác để người dân tránh lũ và để cất giữ tài sản khi nước lũ dâng cao. Đây cũng là nơi để đưa trâu, bò lên trú tránh khi lũ lụt xảy ra.
Ngoài ra, những bể nước hình trụ được thiết kế cao 4-5m để tích trữ nước được dẫn bằng các ống nhựa từ mái nhà, đặc biệt hữu ích khi lũ về. Mặc bốn bề là nước lũ đục ngầu, người dân vẫn có nước sạch để dùng khi lũ rút.
Ông Lê Khánh Quang, Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân cho biết, toàn xã có hơn 1.100 hộ có nguy cơ bị lũ lụt, ngoài chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo xây nhà chòi tránh lũ đến nay khoảng hơn 100 hộ dân trên địa bàn cũng đã tự làm mô hình này.
“Địa phương đang tuyên truyền nhân dân chủ động trong việc xây dựng các cồn tự cứu để phòng tránh theo phương châm 4 tại chỗ, còn những hộ nào xây dựng nhà cửa thì ít nhất cũng có 1 cái phòng để khi thiên tai xảy ra thì có thể lên đó trú ẩn được cả gia đình. Chúng tôi cũng đang xin cấp trên hỗ trợ kinh phí để xây dựng các mô hình nhà chống lũ để sẵn sáng ứng phó với lũ lụt, thiên tai”, ông Quang cho hay.
Đến nay, những xã ở vùng “rốn lũ” như: Châu Nhân, Hưng Lĩnh, Hưng Lợi…thuộc huyện Hưng Nguyên hầu như gia đình nào cũng xây dựng được nhà có gác xép, gác chạn kết hợp tôn nền nhà cao tới hơn 1m so với mặt đường để tránh lũ. Gác chạn thường được thiết kế cách nền nhà từ 2,8-3m (cao hơn đỉnh lũ các năm 1978 và 1988 khoảng 1m). Phòng khi có lũ, gác chạn, gác xép trở thành nơi tá túc, tránh trú của mọi người trong nhà. Đây còn là nơi cất giữ lương thực quanh năm của các gia đình, đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Gác chạn là chỗ để đồ đạc, phòng chống khi nước lũ dâng cao của người dân vùng “rốn lũ” Hưng Nguyên. |
“Cách đây 5 – 6 năm, người dân một số xã ngoài đê thuộc huyện Hưng Nguyên đã triển khai xây dựng nhà chòi chống lũ; mặc dù diện tích không lớn nhưng đã phát huy hiệu quả phòng mỗi khi nước dâng cao, lũ lụt rất tốt. Trên cơ sở hiệu quả của mô hình này, các hộ đã và đang tiếp tục xây dựng, làm thêm những nhà chòi để phòng chống lũ lụt, thiên tai xảy ra”, ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Nguyên cho biết.
Bảo Trâm