Nghệ An: Tăng cường kỹ năng phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho bà con ngư dân
Việc phát huy hiệu các nghiệp đoàn nghề cá, đội dân quân biển ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã hạn chế được rủi ro do thiên tai gây ra trong quá trình đánh bắt trên biển, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân.
Nghiệp đoàn Nghề cá tặng áo phao cho ngư dân xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An. |
Tăng cường tuyên truyền, tặng áo phao cho ngư dân
Xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) hiện có 395 tàu cá, gần 2.000 lao động thường xuyên trên biển. Ngoài việc trang bị miễn phí đến tận tàu hàng nghìn chiếc áo phao, trang, thiết bị thông tin liên lạc; để giúp ngư dân yên tâm bám biển vào mùa mưa bão, Diễn Ngọc đã thành lập trung Đội dân quân biển với 30 thành viên trên 10 tàu xa bờ, và 20 tổ hội nghề cá, thu hút 100% chủ tàu và lực lượng công an, quân sự tham gia, sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tai nạn trên biển xảy ra.
Là thành viên tổ hội nghề cá, ngư dân Phạm Văn Mạnh (trú xóm Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc) chia sẻ: Từ khi tham gia tổ nghề cá thì việc phòng chống thiên tai, hạn chế được rủi ro rất nhiều, nói chung từ khi có tổ thì đâu đâu cũng vững chắc đó, đánh bắt hiệu quả hơn các năm nhiều.
Để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày hơn 1 tuần trên con tàu xa bờ 400CV, ngư dân Lê Quang (trú xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu) đã được chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã đến tận tàu tuyên truyền nêu cao ý thức đánh bắt an toàn, đồng thời kiểm tra lại các phương tiện phòng chống thiên tai. Nghiệp đoàn cũng đã trao tặng cho anh Quang và các thuyền viên trên tàu 7 chiếc áo phao.
Lực lượng BĐBP và chính quyền địa phương tuyên truyền công tác phòng chống thiên tai, động viên ngư dân bám biển ở cảng cá Lạch Vạn, huyện Diễn Châu. |
Với việc được trang bị đầy đủ phương tiện, lại được các thành viên nghiệp đoàn hỗ trợ tích cực đánh bắt an toàn nên mỗi chuyến ra khơi, anh Quang cảm thấy vững tâm hơn rất nhiều. Bà con bây giờ chấp hành rất tốt việc phòng chống thiên tai bởi tất cả thuyền viên cũng như các chủ phương tiện đều có đàm, định vị, có cả radio để nghe thời tiết thường xuyên. Khí có lệnh của ban phòng chống thiên tai thì thì tất cả các chủ phương tiện, thuyền viên cho thuyền về neo đậu an toàn.
Qua 5 năm ra đời, nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích (huyện Diễn Châu) được chia thành 22 tổ tự quản trên biển với gần 200 thành viên đã hỗ trợ nhau rất đắc lực trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khi gặp thiên tai rủi ro trên biển. Nghiệp đoàn ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn thành viên đánh bắt an toàn, đúng quy định thì còn cấp 150 đài FM, hơn 1.500 áo phao cho ngư dân, tặng cho ngư dân hàng trăm thẻ bảo hiểm thân thể.
Theo ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Nghiệp đoàn thì điều đặc biệt mà nghiệp đoàn xây dựng được đó là tạo được mối liên kết, tương trợ sâu sắc trong đoàn viên, nhờ đó mà thiệt hại về người và tài sản do thiên tai của ngư dân Diễn Bích đã giảm đáng kể so với trước đây.
Việc tăng khả năng phòng vệ trước thiên tai đã giúp ngư dân nâng cao tính chủ động, đảm bảo an toàn khi lao động trên biển. |
Tăng cường kiểm tra, tập huấn biện pháp phòng chống thiên tai
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, trung bình mỗi năm nước ta phải hứng chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển. Trước tình hình đó, việc tăng khả năng phòng vệ trước thiên tai cho ngư dân được các cấp chính quyền huyện Diễn Châu đặc biệt quan tâm.
Ngoài việc bắt buộc tất cả trên 1.500 tàu thuyền phải có phương tiện phao cứu sinh, đèn tín hiệu, máy thông tin liên lạc… và thực hiện sơn, kẻ, gắn biển số đăng ký theo quy định thì địa phương này đã thành lập 2 trung đội dân quân biển, 45 tổ nghề cá vừa sản xuất, vừa hỗ trợ ngư dân cứu hộ cứu nạn.
Trước mỗi vụ đánh bắt, ngư dân đều được tập huấn các biện pháp phòng chống thiên tai trên biển cũng như diễn tập cứu hộ, cứu nạn. Công tác kiểm tra, kiểm soát điều kiện đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển được chính quyền các cấp, đặc biệt là Đồn Biên phòng Diễn Thành (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) luôn quan tâm. Những trường hợp không đủ phương tiện an toàn, không có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, không có đăng ký, đăng kiểm theo quy định kiên quyết không cho ra khơi.
Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diên Châu cho biết, toàn huyện có 8 xã vùng biển với trên 1.500 tàu thuyền và 5.000 lao động làm việc thường xuyên trên biển. Việc tăng khả năng phòng vệ trước thiên tai đã giúp ngư dân nâng cao tính chủ động, đảm bảo an toàn khi lao động trên biển, không chỉ giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản mà còn góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Bảo Trâm