Hãy nói không với lao động trẻ em làm thuê giúp việc gia đình
Tổng điều tra dân số và nhà ở gần đây cho thấy, hơn 7 % lao động làm thuê giúp việc gia đình ở Việt Nam dưới 18 tuổi. Một nghiên cứu về giúp việc gia đình do Bộ LĐ-TBXH phối hợp với ILO tiến hành tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rằng, 17,3% lao động làm thuê giúp việc gia đình bắt đầu làm việc khi họ chưa đủ 18 tuổi. Hiện, số lượng trẻ em làm thuê giúp việc gia đình có xu hướng gia tăng là do nhận thức của gia đình và xã hội, tình trạng nghèo đói, sự không tiếp tục con đường học tập hoặc học nghề của trẻ em các gia đình nghèo dẫn đến có rất ít lựa chọn cho công việc của các em. Nhu cầu giúp việc để chăm sóc người già và chăm nom con trẻ ở đô thị đang có xu hướng tăng. Nguy cơ lạm dụng trẻ em lao động sớm này đã tác động đến sự phát triển về thể lực, tình cảm và đạo đức của các em, ảnh hưởng đến tương lai của toàn xã hội.
Để giúp cải thiện tình hình nêu trên, Việt Nam đã tham gia phê chuẩn Công ước số 138 về tuổi lao động tối thiểu, Công ước số 182 về loại trừ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất của ILO, đồng thời hệ thống pháp luật về lao động, việc làm nước ta cũng đã từng bước được hoàn thiện. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục và dạy nghề, từng bước giảm tình trạng nghèo đói, hỗ trợ các gia đình cải thiện thu nhập, đưa trẻ em trở lại môi trường học văn hóa, học nghề. Xây dựng chương trình quốc gia xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất từ phòng ngừa, can thiệp sớm, giải cứu các em khỏi các công việc và môi trường độc hại, nguy hiểm, hỗ trợ các em tái hòa nhập cộng đồng”
Những nỗ lực nêu trên mặc dù đã đem lại kết quả tích cực, tuy vậy, giải quyết tình trạng trẻ em lao động sớm vẫn là một thách thức trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhận thức của một bộ phận cha mẹ và người sử dụng lao động còn hạn chế, ý thức tuân thủ pháp luật lao động chưa cao….Với tinh thần trên, nhân Ngày Thế giới Phòng chống Lao động trẻ em năm nay, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị và kêu gọi sự vào cuộc của các gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cùng chung tay tiến tới xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em.
Ông Gyorgy Janos Sziraczky, Giám đốc Văn phòng ILO phát biểu tại buổi lễ
Đồng quan điểm với Thứ trưởng, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam trong bài phát biểu của mình cho rằng: “Nhân dịp này, chúng tôi kêu gọi các nỗ lực hướng đến nhóm trẻ em có nguy cơ này. Chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong cuộc đấu tranh phòng chống lao động trẻ em. Và khi nhìn vào sự thay đổi của Bộ Luật lao động, coi giúp việc gia đình là một công việc cần được quản lý, chúng ta đã nhìn thấy cơ hội để hành động. Đã đến lúc chúng ta phải xác định các yếu tố nặng nhọc, nguy hiểm trong giúp việc gia đình và đã đến lúc phải cấm thuê trẻ em dưới 18 tuổi làm công việc này”.
Tại phần cuối của lễ mít tinh, các đại biểu tham dự đã được xem vở kịch “Mẹ ơi con sắp lớn” với nội dung phản ánh chân thực bức tranh về cuộc sống của những trẻ em nông thôn gia đình nghèo, khó khăn phải bươn trải ra thành phố làm thuê giúp việc gia đình. Những niềm vui, nỗi buồn và cả nước mắt của các em trong cuộc sống, công việc mà các em đang làm được các nghệ sĩ, đoàn kịch 2, Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện khá thành công, đã đem lại nhiều suy ngẫm, chia sẻ sâu sắc cho khán giả về vấn đề trẻ em làm thuê giúp việc gia đình hiện nay./.
Một cảnh trong vở diễn "Mẹ ơi con sắp lớn"