Hậu trường kinh doanh vàng miếng
Thực hiện Nghị định 24, hiện đã có 21 bộ hồ sơ đợt đầu gửi về Ngân hàng Nhà nước xin cấp phép kinh doanh vàng miếng. Theo nguồn tin của VnEconomy, dự kiến trung tuần tháng này sẽ có những giấy phép đầu tiên. Ảnh: Thanh Đạm.. |
Để trả lời câu hỏi, có thể nhìn lại một góc hậu trường kinh doanh vàng miếng thời gian qua.
Giật giá…
Đợt cao điểm áp lực tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại vừa rồi, dễ nhận thấy “điểm lạ”: có nhà băng yết giá mua vào gần như san bằng giá bán ra, ý là quyết mua cho được.
Còn thông tin từ một người trong cuộc ở vị trí quan sát, tại thời điểm có ngân hàng buộc phải mua vào như vậy, giá vàng lại giật lên một nhịp, thậm chí có lúc chấp cả giá thế giới giảm. Thị trường vàng vốn nhạy tin, nếu biết trước thời điểm đó thì nắm được cơ hội kiếm lời, mua với giá bán ra của doanh nghiệp kia vẫn thắng lớn khi bán lại với giá mua vào của ngân hàng nọ sau khi giá “dự tính” sẽ giật.
Dĩ nhiên cơ hội này không dành cho số đông, mà len lỏi trong guồng quay của thị trường vàng thời gian qua.
Ngược lại, biết rằng rồi cũng có lúc giá vàng sẽ xuống nhưng vẫn buộc phải mua ngay. Đó là nguyên tắc mà ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đề cập đến khi trao đổi với VnEconomy mới đây.
Theo ông Phú, thị trường không ai chỉ mua, hoặc chỉ bán; các doanh nghiệp kinh doanh vàng càng không. Họ cũng không thể đánh quả rồi kê gối ngủ, kiểu như năm ngoái gom giá 38 triệu đồng/lượng để chờ đến nay bán cỡ 48 triệu đồng/lượng. Lịch sử đã cho thấy nhiều đại gia ngã ngựa kiểu này. Còn nguyên tắc là phải mua - bán liên tục.
Về nghiệp vụ kinh doanh vàng, các đầu mối bán ra 1 lượng thì cũng phải mua vào 1 lượng. Họ phải mua lại của chính thị trường, bởi không có nguồn từ nhập khẩu, phải mua bán lẫn nhau. Điểm kết nối các vòng quay mua bán này là những nhịp giật giá.
Ông Phú đưa ra ví dụ, một đầu mối kinh doanh vàng vừa bán ra 1.000 lượng giá 48 triệu đồng/lượng, lãi 200 nghìn đồng/lượng so với giá mua vào trước đó. Nhưng vừa bán xong, kỳ vọng của thị trường giá còn tăng cao hơn thì họ bị lỗ. Giả sử giá thị trường sau đó lên 48,5 triệu đồng/lượng, vẫn phải mua vào vì còn phải có hàng để bán cho khách hàng. Như vậy lỗ 300 nghìn đồng/lượng.
Giá càng tăng cao, không mua được đối ứng thì càng lỗ. Tâm lý sợ là vì thế, vì không biết đâu là điểm dừng. Thế nên khi bán ra tiếp ở nhịp thứ hai, họ phải đẩy cao hơn, như 48,7 hay 49 triệu đồng/lượng với hy vọng bù lại phần lỗ hoặc để có lãi. Giá vàng cứ bị giật lên như vậy.
“Về nguyên tắc bán xong là phải mua vào, không ai bán xong lại ngồi chờ. Dù biết rằng lên rồi còn xuống nhưng dứt điểm phải mua lại. Giá vàng cứ bị đẩy lên thế vì không có ai đứng ra điều tiết, hoặc chưa đủ sức điều tiết… Bản thân tôi tham gia kinh doanh vàng cũng không muốn nó cứ giật lên như thế. Mình vừa bán xong, mua lại đã lỗ rồi, thấy giá lên thì lại phải mua vì sợ nó còn lên nữa và càng lỗ. Nhưng bản thân thị trường nó như vậy, tâm lý đám đông lại cộng hưởng vào”, ông Phú giải thích.
Đó là nhịp chung của các doanh nghiệp kinh doanh vàng lâu nay. Và thông thường, khi thấy mức độ rủi ro lớn của vòng quay, giá chạy quá nhanh, khoảng cách giá mua vào - bán ra thường được họ nới rộng; hoặc vòng quay ổn định, nguồn thu cũng chính là chênh lệch giá mua với giá bán.
Khả năng đầu cơ đến đâu?
Thực hiện Nghị định 24, hiện đã có 21 bộ hồ sơ đợt đầu gửi về Ngân hàng Nhà nước xin cấp phép kinh doanh vàng miếng. Theo nguồn tin của PV, dự kiến trung tuần tháng này sẽ có những giấy phép đầu tiên.
Sau cấp phép, đi vào hoạt động, cơ chế mua - bán vẫn là guồng quay nói trên; xa hơn có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia ở vai trò điều tiết.
Nhưng trước mắt, một góc hậu trường nữa được quan tâm là liệu sẽ có sự đầu cơ từ chính hệ thống kinh doanh này hay không, và nếu có thì khả năng đến đâu?
Ông Đỗ Minh Phú cho rằng, nguyên tắc của đầu cơ là tạo khan hiếm, song tạo đầu cơ trên thị trường vàng không dễ, bởi hàng không nằm trong kho những người muốn tạo khan hiếm, mà nằm trong dân. Còn điều mà ông nhấn mạnh là ở tâm lý đầu cơ.
“Thực tế trên thị trường không phải có quá nhiều người mong muốn mua để giá tăng từng giờ, nhưng nó tạo tâm lý giá vàng sẽ còn tăng. Những ai có vàng thì không chịu bán, những ai mua vàng sợ thiệt thì phải mua ngay. Như vậy nó tạo ra tâm lý để làm giá chứ không hẳn là nhu cầu thực sự của thị trường”, ông Phú nói.
Còn qua những lần trao đổi gần đây, cả lãnh đạo cao cấp lẫn vụ chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cũng đều để ý đến câu hỏi trên.
Câu trả lời gián tiếp là một hướng gợi mở, rằng khi hệ thông kinh doanh “mới” đi vào hoạt động theo khuôn khổ Nghị định 24, trạng thái vàng của các thành viên dự kiến sẽ bị áp một giới hạn rất hẹp, giả sử chỉ khoảng 5% vốn tự có để hạn chế khả năng găm giữ có thể gây ảnh hưởng lớn tới thị trường.
Mặt khác, một lãnh đạo vụ chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước lập luận thêm, doanh nghiệp kinh doanh vàng đương nhiên là phải giữ một lượng hàng nhất định, nhưng phải tính toán kỹ. Theo ông, ôm vàng đầu cơ với giới hạn trạng thái từng ngày rất dễ rủi ro, vì phải qua đêm (thị trường vàng thế giới giao dịch) mà không phòng ngừa được.
“Điều hòa lượng vàng nắm giữ, mua vào - bán ra để không lỗ là nghệ thuật. Thực tế thời gian qua cho thấy phải thật nhạy cảm với rủi mới sống sót được”, vị lãnh đạo này nói.
Hoàng Ly