Hàng Việt cần lấy được lòng tin ở người tiêu dùng
“Sau hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt đã có đến 70% người tiêu dùng lựa chọn sử dụng sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng chưa hoàn toàn hài lòng với hàng Việt, chính vì vậy cần một chiến lược Quốc gia nhằm tăng cường lòng tin người tiêu dùng vào sản phẩm và dịch vụ Việt Nam”, TS. Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đưa ra trong diễn đàn “Nâng cao lòng tin của người tiêu dùng (NTD) vào sản phẩm và dịch vụ Việt” diễn ra ngày 22/1 tại Hà Nội.
Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, sơ kết 3 năm cuộc vận động kết quả cho thấy, đã có 90% người tiêu dùng ở TP. HCM chọn lựa hàng Việt, tại Hà Nội là 83%. Có đến gần 60% NTD mua và sử dụng hài lòng, gần 40% khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Đánh giá về thực trạng sử dụng hàng hóa và các dịch vụ Việt Nam của NTD, TS. Đinh Thị Mỹ Loan chia sẻ: “Lòng tin của NTD với hàng Việt sau 3 năm thực hiện cuộc vận động đã tăng lên rất đáng khích lệ, nhiều người có tâm lý sính hàng ngoại giờ đã chuyển sang dùng hàng Việt. Hiện nay chúng ta cũng có đến 70% người tiêu dùng sử dụng hàng Việt, ngoài bản thân dùng họ còn giới thiệu quảng bá cho người thân và bạn bè, điều đó cũng là thành tựu đáng khích lệ rồi”.
Diễn đàn "Nâng cao lòng tin NTD vào sản phẩm và dịch vụ Việt Nam" nhằm đưa giải pháp giúp hàng hóa Việt Nam ngày càng khẳng định và được lựa chọn trên sân nhà. Ảnh: PT |
Xoay quanh vấn đề lòng tin NTD với hàng Việt, ông Phạm Hoàng Hà – PTGĐ Công ty CP Tập đoàn Phú Thái cho biết: “Chưa bao giờ NTD có ý thức dùng hàng Việt như hiện nay, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, mọi người thắt chặt chi tiêu nhưng nhiều mặt hàng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vẫn được lựa chọn sử dụng”.
Mặc dù khẳng định NTD đã biết đến và lựa chọn sản phẩm dịch vụ Việt Nam nhưng một thực tế cho thấy phần lớn NTD vẫn chưa thật sự hài lòng về hàng hóa, nhiều người vẫn sính hàng ngoại. Ông Nguyễn Văn Toàn – chuyên viên Công ty IDT Việt Nam kinh doanh về lĩnh vực bán lẻ, giáo dục cho biết, lòng tin của NTD Việt vào hàng hóa Việt Nam trong vài năm trở lại đây tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, có một điều chưa tốt là các mặt hàng chất lượng, mẫu mã còn kém. Trong thời gian tới hàng Việt nếu muốn khẳng định và chiếm ưu thế phải nâng cao chất lượng. “Chế độ hậu mãi của các DN Việt Nam còn chưa thực sự tốt, khi khách sử dụng có sự cố phản ánh lại thì phần lớn đều không nhận được sự trợ giúp tốt”, ông Toàn bày tỏ thêm.
Còn theo bà Loan, NTD còn thiếu lòng tin vào sản phẩm Việt Nam là do chất lượng hàng hóa không ổn định, những sản phẩm giới thiệu và sản phẩm để bán rất khác nhau; cùng với đó là hàng Việt bị chê rất nghèo nàn về mẫu mã, thiếu đa dạng về chủng loại.
Để khắc phục yếu điểm lòng tin của NTD với sản phẩm và dịch vụ Việt Nam, bà Loan cho rằng, để phát triển lòng tin của NTD cần có chiến lược lâu dài bền vững chứ không chỉ kêu gọi trong vài năm, nhà nước cần phải đưa ra những văn bản pháp luật, chính sách kịp thời, rõ ràng minh bạch để cổ động cho việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Với NTD cần phát huy tinh thần yêu nước và lòng tin đối với những sản phẩm Việt Nam để hàng Việt có cơ hội phát triển hơn nữa. “Để nâng cao lòng tin của người tiêu dùng thì vai trò của các nhà bán lẻ rất quan trọng, bởi đây là chiếc cầu nối giữa nhà sản xuất và NTD, nhà bán lẻ hiểu biết để quảng bá về sản phẩm đồng thời cung cấp những mong muốn của người tiêu dùng với nhà sản xuất để đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất đáp ứng nhu cầu thị trường”, bà Loan nói.
Hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay NTD hiện nay đều phải qua khâu trung gian. Thực tế cho thấy, giá thành sản phẩm bị đội lên khá nhiều, tuy nhiên, theo một số đại diện các nhà bán lẻ, hàng hóa qua khâu trung gian khi phân phối là điều tất yếu.
Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết, việc đội giá sản phẩm trong quá trình phân phối từ nhà sản xuất đến tay NTD qua trung gian là điều tất yếu, trong kinh doanh thì không thể tránh khỏi.
Cùng chung quan điểm này, ông Phạm Hoàng Hà cho biết: "Trên thế giới hiện nay và mãi mãi về sau, chắc chắn sẽ tồn tại một thành phần trung gian giữa nhà sản xuất và NTD vì nó tiết kiệm được công đi lại, vận chuyển nên không thể xóa bỏ".