Hàng triệu người trẻ Trung Quốc ‘đang trong tâm trạng bơ vơ’
Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kinh tế vào năm ngoái, anh Zhe Ye (23 tuổi) kỳ vọng bản thân sẽ xin được việc làm trong ngành dân chính, lĩnh vực mà giới trẻ Trung Quốc cho rằng sẽ mang lại sự nghiệp ổn định.
Nhưng có tới 2,12 triệu người tham gia kỳ thi tuyển công chức vào năm 2021, điều này đồng nghĩa với tỷ lệ chọi là vô cùng cao khiến anh Zhe thi trượt. Kể từ đó tới nay, anh Zhe cũng không gặp may mắn trên hành trình xin việc.
“Trong năm nay, tôi cảm thấy lo lắng bởi một số thông tin tuyển dụng yêu cầu sinh viên tốt nghiệp năm 2022 và 2023”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời anh Zhe (23 tuổi) sinh sống ở tỉnh Hồ Bắc chia sẻ.
“Tôi đã nộp hơn 20 hồ sơ xin việc, nhưng tất cả đều chưa có phản hồi”, anh Zhe nhấn mạnh.
Mức độ khó tìm được việc làm của anh Zhe dường như sẽ còn tăng lên bởi vào cuối năm nay, dự tính con số kỷ lục 10,76 triệu sinh viên Trung Quốc cũng sẽ ra trường và tham gia vào cuộc đua tìm kiếm việc làm.
Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Trung Quốc vẫn đang ở mức cao. Cụ thể, dữ liệu được công bố hôm 16/9 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong táng Tám ở độ tuổi từ 16 - 24 là 18,7%, giảm nhẹ so với mức 19,9% hồi tháng Bảy, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Hồi tuần trước, Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo sẽ tăng cường hỗ trợ chương trình khởi nghiệp nhằm tạo thêm công ăn việc làm, đồng thời yêu cầu các ngân hàng mở rộng những khoản vay đặc biệt cho các công ty internet chủ chốt, và hứa hẹn trợ cấp cho những sinh viên chưa thể tìm được việc làm sau 2 năm tốt nghiệp.
Với hàng loạt thách thức như hiện nay, việc áp dụng các chính sách hỗ trợ cho người lao động trẻ có tạo ra được chuyển biến hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Theo báo cáo hồi tháng Bảy của Viện Nghiên cứu Việc làm thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, tính trên cả nước, số lượng quảng cáo tuyển dụng đã giảm 19% trong quý II năm nay so với một năm trước. Trong khi đó, số lượng nộp đơn xin việc đã tăng 135%.
Ông Liu Shenglong, Phó Giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, nhấn mạnh vấn đề thất nghiệp của giới trẻ dường như sẽ không được cải thiện. Bởi theo ông Liu, ngoài chuyện dàn sinh viên sắp tốt nghiệp tham gia thị trường việc làm, những du học sinh ở nước ngoài trở về nước và cả người lao động bị mất việc làm do các công ty đóng cửa cũng sẽ làm tăng thêm mức độ cạnh tranh xin việc.
“Trong trường hợp tất cả những yếu tố trên cộng dồn lại, tôi nghĩ tình hình sẽ chỉ xấu đi nếu như nền kinh tế quốc gia không phục hồi nhanh chóng”, ông Liu cho hay.
Trên thực tế, GDP của Trung Quốc mới chỉ tăng 0,4% trong quý II năm nay so với một năm trước đó, và giảm so với mức dự đoán tăng trưởng 4,8% trong 3 tháng đầu năm nay.
Những tác động từ chính sách “zero Covid-19”, sự trì trệ của lĩnh vực bất động sản, và sự sụt giảm nhu cầu trên toàn cầu đang là bước cản đà phục hồi toàn diện của Trung Quốc.
Anh Kang Jiang (24 tuổi), người vừa mới tốt nghiệp chuyên ngành y tại một trường Đại học danh giá ở Thượng Hải trong năm nay, đã bắt đầu tìm kiếm việc làm từ mùa thu năm ngoái, thời điểm còn khá nhiều công việc mời chào tuyển dụng. Nhưng anh Kang chỉ xin được vào làm cho một công ty cung ứng thiết bị mới được thành lập vào tháng Tư.
Đây không phải là công việc mà anh Kang mong muốn, nhưng anh cho biết bản thân đã may mắn khi tìm được việc làm tại Thượng Hải vào thời điểm thành phố này bắt đầu tiến hành phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Các biện pháp khống chế dịch bệnh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Thượng Hải. Theo đó, tăng trưởng kinh tế ở Thượng Hải đã giảm 13,7% vào quý II năm nay so với một năm trước đó. Cũng theo anh Kang, chỗ trống cần tuyển người vào làm việc ở Thượng Hải hiện là rất hiếm.
“Hiện vô cùng khó khăn để xin được việc ở Thượng Hải vào thời điểm này, và tôi rất biết ơn khi công ty nhận mình vào làm. Khi không có việc, chúng tôi rất bi quan và bơ vơ”, anh Kang tâm sự.
Minh Thu (lược dịch)