Hãng Phim truyện Việt Nam - Tồn tại hay là chết?
Từ ba năm nay, Hãng Phim truyện Việt Nam có tên gọi mới: Công ty TNHH Một thành viên Hãng Phim truyện Việt Nam. Và cũng từ ba năm nay, Hãng không có phim để làm. Bộ phim đang thực hiện: Những người viết huyền thoại sử dụng nguồn tiền từ năm 2009.
Hơn 100 cán bộ, nhân viên của Hãng nhận lương theo mức cơ bản 650.000 đồng vì Hãng không có đủ khả năng theo quy định mới của Nhà nước.
Trước sự sống - còn của hãng phim “anh cả đỏ” này, những nhà điện ảnh lâu năm và tâm huyết đã chia sẻ với TT&VH.
Hình ảnh Hãng Phim truyện VN sập xệ từ nhiều năm nay |
Nhà biên kịch Hồng Ngát: Nói để an ủi thì chẳng để làm gì
“Tôi bức xúc vì tình trạng bi đát, anh em tứ tán, cơ sở ngày càng tiều tụy. Tôi nói có thể bị mang tiếng lắm điều. Nhưng không thể “dĩ hòa vi quý”. Sống phải biết vui buồn, phải nói sự thật, nói điều mình cảm thấy là đúng. Ai làm quản lý cũng muốn bình lặng, nhưng sự bình lặng ấy chỉ là giả vờ vì bên trong mới là sóng ngầm. Chữa bệnh phải chữa từ bên trong chứ không nên trát son phấn vào để giấu bệnh....
Mấy chục năm làm biên kịch, tôi đã kinh qua nhiều vị trí từ thực tế lên quản lý. Nhưng trước kia, chúng tôi gặp nhau nói phim này phim kia, cảnh này cảnh kia chứ không phải là "quả này", "quả kia", hay dự án này dự án kia sao mà lắm tiền thế? Chỉ nghĩ đến tiền chứ không nghĩ phim đó làm như thế nào.
Ở đâu ra một không khí ảm đạm như thế? Tình hình chung chăng?
Ngày trước, Hãng được bao cấp 100%, giờ thành công ty TNHH. Cơ chế của ngành điện ảnh hiện quá phức tạp. Fafilm, Hãng I (Hãng Phim truyện I) thì cổ phần. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tự hạch toán. Hãng phim Hoạt hình, Hãng phim Tài liệu lại được 100% bao cấp. Hãng Phim truyện Việt Nam kêu nhiều rồi mà chẳng ai đoái hoài gì. Thay cái tên, bình mới, rượu cũ. Trong khi Hãng phim truyện Việt Nam có thương hiệu, đó mới là động lực thực chất để nó tiến lên.
Bây giờ vực lại Hãng là cả một vấn đề khó khăn. Con người lúc nào cũng là quan trọng, nay người về hưu, về một cục… Phòng biên kịch nghe nói giờ đóng cửa. Chỉ bằng tình yêu thì không sống được.
Làm thế nào ư? Cái nút thắt đầu tiên cần gỡ phải là cơ chế. Phải xốc lại guồng máy, để Ban giám đốc thể hiện mình. Nói để an ủi thì chẳng để làm gì. Tại LHP quốc gia ở Phú Yên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói sẽ trình Thủ tướng việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Điện ảnh. Sau một năm rồi, không ai đứng ra tổ chức. Cục thì mới thay lãnh đạo. Hội làm cũng không đúng chức năng. Vấn đề còn khó hơn là chưa có người “cầm cờ” bàn vấn đề lớn này.
NSND - Đạo diễn Thanh Vân: Không thể loay hoay mãi ở tầm vi mô
Vấn đề nổi cộm của Hãng liên quan tới việc đòi thu hồi nhà truyền thống. Nhưng buổi làm việc mới đây với Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn, vấn đề chính yếu hơn lại là: Sự tồn tại của Hãng Phim truyện Việt Nam và tương lai thế nào? Sau sự cố thất thoát hàng chục tỉ đồng ở Cục Điện ảnh, Bộ đang chuẩn bị ra thông tư về đấu thầu. Nhưng trong lúc ngồi chờ thông tư đó, gần ba năm nay, ba kịch bản đã được duyệt của Hãng bị ngưng lại.
Tôi đã nó với lãnh đạo Bộ, thông tư càng chậm thì sự tồn tại của Hãng càng ngắn. Hơn 100 con người, gần ba năm nay dừng công việc làm phim chính thống chỉ có thể tồn tại. Lương của anh em chỉ hơn 50% bậc lương cơ bản hiện nay của Nhà nước. Trên thực tế, người về hưu còn hưởng lương cao hơn người đang đi làm.
Vấn đề thứ hai là “an cư mới lạc nghiệp”. Không biết Bộ có giữ lại trụ sở của Hãng ở số 4 phố Thụy Khuê (Hà Nội) không? Chúng tôi cần cái sổ đỏ, không phải để khẳng định chủ quyền mà quan trọng hơn là không có sổ đỏ đó, chúng tôi không dám đầu tư, không hợp tác được. Sự lùng bùng nói trên khiến cơ sở hạ tầng ngày càng xập xệ, lạc hậu, không còn giá trị bao nhiêu.
Vì thế, Bộ VH,TT&DL cần có quan điểm rõ ràng trước sự việc này. Quan điểm đó phải thể hiện trong một thời gian có tính khẩn cấp nhất. Chuyện cái nhà truyền thống chỉ là bề nổi của tảng băng chìm đến mức Hãng phim thành lập từ những năm 1953 phải chống chọi với cả những ban quản lý lập ra 1-2 năm nay. Quan trọng hơn là sự đối chọi lòng tin của anh em nghệ sĩ.
Một Hãng phim lớn, mọi người vẫn nói thế, nay tôi nói lớn cũng thấy ngượng mồm, vậy mà bao năm nay không được thực hiện những tác phẩm quan trọng của nền điện ảnh như nó đã từng làm. Cần có một quyết sách chiến lược hơn là loay hoay ở tầm vi mô.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Địa chỉ văn hóa không thể bị xóa sổ
Vấn nạn của Hãng kéo dài và dù có nhiều cuộc họp song Bộ VH,TT&DL cũng như các cấp lãnh đạo chưa có ý thức đầy đủ về vấn nạn này hay ý tưởng để thay đổi. Câu chuyện nhà truyền thống là giọt nước tràn ly khiến không ai còn có thể thờ ơ. Đây có thể là thời khắc thể hiện sự quan tâm của cơ quan chức năng về sự cần thiết phải tồn tại của Hãng Phim truyện Việt Nam và tồn tại theo cách nào?
Tôi nghĩ, đương nhiên nó phải tồn tại không phải vì các nghệ sĩ phải neo vào đó để sống. Nghệ sĩ ra đi từ đó đều thành đạt cả. Tôi là người về hưu sớm, nhưng chưa bao giờ tôi nói đó là nơi tồi tệ cả. Về vật chất, về hình ảnh mà bạn nhìn thấy có thể rất tệ. Nhưng bệ phóng nghệ thuật mới là quan trọng. Chúng tôi thành danh ở đó, ra đi với tư cách đáng kể cũng từ đó. Đây là địa chỉ văn hóa ghi nhận quá trình lịch sử của điện ảnh nước nhà nhiều thành tựu. Dù muốn hay không, nó là bảo tàng để nhìn thấy những thành tựu đó như thế nào. Nếu được hỗ trợ như nhiều năm nay chúng tôi đã kêu gọi thì có thể nó không xập xệ như thế.
Động thái khẩn cấp là Bộ VH,TT&DL, Ban Tuyên giáo Trung ương cần can thiệp ngay lập tức để Hãng có sổ đỏ. Chúng tôi cần chính danh, để có thể tìm con đường khác. Một sự kỳ lạ là tại sao Hãng Phim truyện Việt Nam sử dụng mảnh đất này từ 1953 mà không thể cấp sổ đỏ. Tôi không hiểu nổi cách ứng xử với nền điện ảnh nói chung và Hãng nói riêng.