Hàng nghìn nhân sự nghỉ việc, ngân hàng lo khách cũng bị kéo đi sang ngân hàng khác
Việc biến động nhân sự không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh liên tục tại các đơn vị kinh doanh mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực như mất khách hàng do sự kéo theo nhân sự đã nghỉ việc...
Ngân hàng TMCP Sài Gòn vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên, dự kiến tổ chức vào ngày 14/12/2021.
Tại cuộc họp, HĐQT SCB sẽ báo cáo kết quả hoạt động năm 2021 và trình cổ đông phê duyệt các mục tiêu kinh doanh năm 2021.
Theo báo cáo, năm 2020, tổng tài sản của SCB đạt 633.797 tỷ đồng, tăng 11,6%. Xét về quy mô tổng tài sản, SCB hiện đang xếp thứ 5 trong hệ thống các TCTD, đứng đầu trong nhóm ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh.
Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của SCB đạt 91,2 tỷ đồng, giảm 129,1 tỷ đồng so với năm 2019. Nguyên nhân do SCB ưu tiên sử dụng các nguồn lực để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng SCB trích lập trong năm 2020 là 1.338 tỷ đồng. Trong đó, trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC là 569,7 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng và nợ phải thu khó đòi là 768,2 tỷ đồng. Các khoản trích lập dự phòng đều là nguồn tài chính tích lũy trong hoạt động xử lý nợ, sau khi hoàn tất việc xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của ngân hàng. Tính đến 31/12/2020, tổng quỹ dự phòng rủi ro của SCB đạt 12.914 tỷ đồng.
Về nhân sự, năm 2020, SCB tuyển dụng 2.100 người trong khi 2.135 người nghỉ việc, biến động tăng giảm nhân sự chủ yếu là đội ngũ nhân sự dịch vụ khách hàng và kinh doanh. Nhiều đơn vị luôn thiếu nhân sự kinh doanh so với định biên. Việc biến động nhân sự không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh liên tục tại các Đơn vị kinh doanh mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực như mất khách hàng do sự kéo theo nhân sự đã nghỉ việc, ngoài ra có thể dẫn đến rủi ro trong hoạt động tại các đơn vị. Mặt khác, để thực hiện thủ tục liên quan nhân sự nghỉ việc cũng như tuyển dụng mới mất thời gian và tốn kém chi phí của SCB cho công tác đào tạo, tuyển dụng, giải quyết chế độ thôi việc cho cán bộ nhân viên.
Năm 2021, SCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 712.196 tỷ đồng, tăng 12,37%. Cho vay khách hàng tăng 10%, huy động vốn thị trường 1 tăng 12,46%. Vốn điều lệ tăng 32,82% lên hơn 20.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.310 tỷ đồng, tăng tới 1.339% so với năm 2020. Nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
9 tháng đầu năm 2021, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 690,5 tỷ đồng, mới chỉ hoàn thành 52% kế hoạch cả năm. Như vậy, trong quý 4/2021, ngân hàng sẽ phải bứt tốc mạnh mới hoàn thành được mục tiêu đề ra.
Nhân sự ngân hàng vẫn đắt mùa dịch
Trái ngược với sự im ắng tại một số ngành nghề sản xuất, ngành ngân hàng vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn, nhưng yêu cầu khắt khe hơn.
Theo Trí thức trẻ/cafeF