Hàng loạt giáo viên dạy Toán “bó tay” trước bài toán của học sinh lớp 3
Cụ thể, đề bài toán này như sau: "Điền các số từ 1 đến 9 vào ô trống để được kết quả đã cho".
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, xét về mặt toán học, việc tìm ra lời giải cho một bài toán 9 ẩn (với các ẩn là những số tự nhiên từ 1 đến 9) và chỉ có một phương trình quả thật là rất khó. Bởi nếu dùng phương pháp toán học thông thường, những người có tính kiên trì, kiến thức toán tốt cũng đã phải “nát óc”, chưa nói đến đối tượng nhắm đến chỉ là học sinh lớp 3.
Thầy giáo Nguyễn Cao Cường, giáo viên chuyên luyện thi môn Toán trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội đánh giá: “Với bài toán này thì người có tư duy và logic tốt thì cũng phải loại trừ khá là lâu mới có thể cho ra được một kết quả. Mình cũng đã ngồi điền được một vài kết quả nhưng tất nhiên tư duy và kinh nghiệm của người dạy toán lại khác xa với các bé học sinh tiểu học rồi. Nhưng chỉ là có thể tìm ra chứ không dễ mà tìm ra ngay được kết quả”.
Theo thầy Cường, việc đặt bài toán này vào ôn thi cuối kỳ cho học sinh lớp 3 là hoàn toàn không phù hợp. Bởi thực ra không thiếu những bài toán để có thể kiểm tra kiến thức kỹ năng hay nâng cao tư duy logic và tính toán cho học sinh mà không cần đến bài toán quá phức tạp như thế này. Chưa kể, đề thi cần phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng của học sinh. Tuy nhiên, nếu bài toán này trong phần để cho trẻ yêu thích toán học tìm hiểu thêm, phát triển tư duy thì có thể được, nhưng không mang tính chất đánh giá các em.
“Số lượng cách điền là quá rộng, nếu dùng phương pháp thử một cách ngẫu nhiên thì rất lâu và chỉ có thể với học sinh có tư duy tốt mới mong làm được, song số lượng này chắc không nhiều. Với những học sinh có năng lực bình thường thì chắc hầu như các em sẽ điền kết quả trên cơ sở chỉ là thử sai thôi nhưng mất rất nhiều thời gian, may mắn thì mới thử đúng”, thầy Cường nói.
Bàn về điều này, thầy Trần Đình Trợ, giáo viên dạy Toán trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) với 40 năm giảng dạy cũng phải lắc đầu bó tay.
“Bản thân tôi cũng xin thừa nhận không thể giải được triệt để bài toán này. Bởi tôi chỉ có thể đưa ra một vài kết quả mà một vài kết quả thì không gọi là đã giải được, mà giải một bài toán là phải chỉ ra một tập nghiệm chứ. Thật sự là không tài nào giải được”
Thầy Trợ phân tích, trường hợp này gần giống như kiểu giải phương trình (nhưng cũng phải từ cấp 2 mới được học) nhưng giải phương trình thì phải chỉ ra tập nghiệm chứ không phải chỉ một vài nghiệm. Nếu chỉ chỉ ra một nghiệm thì phải chứng minh nghiệm đó là duy nhất thì mới gọi là hoàn thành việc giải bài toán.
Theo đó thì có thể nói bài toán này không có lời giải, đặc biệt trong phạm vi chương trình phổ thông. “Máy tính được lập trình có thể cho ra số đáp án nhưng người thường thì không thể làm được với phương trình 9 ẩn như thế. Dạy cho học sinh lớp 3 mà lại ra một bài toán mà đến giáo viên Toán, rồi tiến sĩ không làm được thì anh tính dạy cái gì”, thầy Trợ nói.
Khi được hỏi đến lý do xuất hiện những bài toán này, thầy Trợ nêu vấn đề: “Có một thực tế là thầy cô sẽ ra những cái đề mà học sinh nào không đi học thêm mình thì không thể làm được. Lý do thứ hai, còn đó tâm lý là người ra đề phải ra đề khó học sinh không giải được, để rồi chính thầy cô chữa, đưa ra lời giải và khiến học sinh phải “ô chà, thầy/cô giỏi quá!”. Đặc biệt, tâm lý học sinh là khi một bài toán đưa cho bố mẹ, anh chị, thậm chí các thầy cô giáo khác không giải được mà chỉ thầy cô ra đề là giải được thì các em sẽ cho rằng thầy cô ra đề đó thật giỏi và cần theo học”.
Theo thầy Trợ, bài toán dạng này hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương chung của toàn ngành giáo dục là giảm tải cho học sinh. Do đó, nếu như do giáo viên sơ suất, ngộ nhận về lời giải mà ra đề như vậy thì phải lập tức xin lỗi, đính chính ngay. Còn trường hợp nếu cố ý ra đề như thế thì cần xem lại cả về trình độ chuyên môn lẫn tư cách nghề nghiệp của giáo viên. Thậm chí, chính các lãnh đạo ngành từ Bộ , Sở, phòng giáo dục cũng cần xem lại đội ngũ giáo viên của mình.