Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác với ASEAN theo “Chính sách hướng Nam mới”
Theo bài viết trên tạp chí The Diplomat của ông Kyle Ferrier, Giám đốc phụ trách quan hệ học thuật và nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Hàn Quốc (KEI) của Mỹ, chuyến thăm 3 nước thành viên ASEAN là Thái Lan, Myanmar và Lào hồi đầu tháng Chín của Tổng thống Moon Jae-in chính là động thái nhằm đẩy mạnh “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc giữa lúc quan hệ giữa Seoul và Tokyo rơi vào căng thẳng và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết.
Chuyến thăm tới Thái Lan của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 2/9. (Ảnh: AP) |
Với mục tiêu đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế, “Chính sách hướng Nam mới” do Tổng thống Moon khởi xướng hướng tới đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN thông qua 3 trụ cột là “con người, thịnh vượng và hòa bình”.
Về phần mình, Tổng thống Moon cam kết thực hiện đường lối ngoại giao cá nhân khi hứa hẹn tới thăm tất cả các nước thành viên ASEAN cho tới khi ông kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo. Trước khi tới thăm 3 nước ASEAN hồi đầu tháng này, ông Moon đã có chuyến công tác tới Ấn Độ.
Trong đó, chuyến thăm tới 3 nước Đông Nam Á cũng cho thấy, Hàn Quốc đang muốn mở rộng quy mô chính sách ngoại giao ở châu Á. Bởi trước đây, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc chỉ tập trung vào khu vực Bắc Á và Nga. Nhưng dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Moon Jae-in, Seoul đang tìm cách nâng tầm quan hệ với ASEAN nhằm đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Đặc biệt hơn, chuyến thăm còn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi năm nay là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại song phương ASEAN – Hàn Quốc và diễn ra Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Hàn Quốc - ASEAN từ ngày 25 – 27/11 tại thành phố cảng Busan.
Để hiện thực hóa 3 mục tiêu chính là “con người, thịnh vượng và hòa bình” trong "Chính sách hướng Nam mới", Tổng thống Moon đã đưa ra nhiều sáng kiến và khoản đầu tư.
Cụ thể, về “con người”, ông Moon nhấn mạnh tới ngành du lịch và văn hóa Hàn Quốc thông qua các văn bản ghi nhớ với Thái Lan và Myanmar nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh thực phẩm, mỹ phẩm và thời trang của Hàn Quốc.
Trong khi đó, sự hợp tác tăng cường trong Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững hướng tới mục tiêu “thịnh vượng”. Theo đó, Hàn Quốc trao gói vay trị giá 1 tỷ USD cho Myanmar để phát trển cơ sở hạ tầng.
Còn về “hòa bình”, Hàn Quốc đã ký kết Hiệp ước Thông tin quân sự An ninh chung với Thái Lan.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu những nỗ lực của Seoul có đủ để tái cân bằng mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với ASEAN. Bởi trên thực thế, dù chuyến thăm của Tổng thống Moon đã đưa ra nhiều cơ hội đầu tư và thương mại mới nhưng đối với ASEAN, Hàn Quốc vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc như Trung Quốc và Nhật Bản. Điển hình, chương trình hợp tác phát triển kinh tế giữa Hàn Quốc với Myanmar trị giá 1 tỷ USD chưa thể sánh được với thỏa thuận hỗ trợ 7,7 tỷ USD mà Nhật Bản trao cho Myanmar hồi năm 2016.
Ngoài ra, các nước ASEAN có mối quan hệ thương mại quy mô lớn với các công ty Nhật Bản và Trung Quốc hơn là với Hàn Quốc. Trên hết, Hàn Quốc vẫn đang lệ thuộc khá lớn vào hoạt động thương mại với Trung Quốc dù Seoul đã có những nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc nhờ “Chính sách hướng Nam mới”.
Hồi năm ngoái, Trung Quốc là điểm đến của gần 27% tổng sản lượng hàng hóa Hàn Quốc xuất khẩu, trong khi số hàng hóa ASEAN xuất sang Trung Quốc là 16,5%.
Theo nhà nghiên cứu Ferrier, hoạt động thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á và Nam Á đối với Hàn Quốc ngày càng trở nên cấp thiết để đối phó với loạt thách thức mới như khủng hoảng kinh tế trong nước, căng thẳng với Nhật Bản và những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Và Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Hàn Quốc - ASEAN diễn ra vào tháng 11 tới chính là cơ hội để Tổng thống Moon hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra trong “Chính sách hướng Nam mới”.
Không thể phủ nhận, trong vòng hai năm qua, “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc đã có những bước tăng trưởng ổn định mà bằng chứng thông qua số liệu cụ thể.
Số lượng du khách di chuyển giữa Hàn Quốc và ASEAN đã vượt qua con số 10 triệu lượt trong năm 2018. Con số sinh viên ASEAN theo học ở Hàn Quốc là 32.574 người trong năm 2018 so với con số kỷ lục 19.000 người hồi năm 2017.
Cũng trong năm ngoái, tổng giá trị thương mại giữa Hàn Quốc với ASEAN đạt con số kỷ lục 160 tỷ USD. ASEAN hiện nắm giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc và đứng số 1 trong thị trường cơ sở hạ tầng. Hai bên còn đặt ra mục tiêu tăng tổng giá trị thương mại lên mức 200 tỷ USD vào năm 2020.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng tăng gấp đôi một khoản quỹ chính phủ chuyên phục vụ hoạt động thúc đẩy hợp tác với ASEAN lên con số 14 triệu USD.