Hai tàu sân bay Trung Quốc lần đầu tiên cùng đi huấn luyện
Lần đầu tiên, hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của hải quân Trung Quốc được triển khai đi huấn luyện chỉ cách nhau vài ngày.
Sau khi tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc là Sơn Đông được điều động đi huấn luyện trên biển Bột Hải vào đầu tuần trước, tàu sân bay Liêu Ninh cũng được phát hiện rời khỏi căn cứ ở thành phố Thanh Đảo và di chuyển ra biển Hoàng Hải vào cuối tuần qua. Đây là lần đầu tiên hai tàu sân bay của Trung Quốc thực hiện diễn tập trên biển cùng luc.
Theo giới chuyên gia, tàu sân bay Sơn Đông đang tiến hành các bài tập chứng minh năng lực chiến đấu trên biển. Nhưng việc hai tàu sân bay cùng được triển khai huấn luyện cách nhau vài ngày cho thấy, Trung Quốc mong muốn đạt tới trình độ triển khai bộ đôi tàu sân bay ra những điểm nóng căng thẳng với quân đội Mỹ như ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của hải quân Trung Quốc lần đầu tiên cùng đi huấn luyện. (Ảnh minh họa) |
Dẫn hình ảnh vệ tinh thương mại nước ngoài, hôm 5/9, tạp chí Modern Ships tại Bắc Kinh cho hay tàu sân bay Liêu Ninh gần đây đã rời khỏi căn cứ ở thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông để đi diễn tập.
Hoạt động di chuyển của Liêu Ninh diễn ra sau vài ngày tàu sân bay Sơn Đông rời khỏi xưởng đóng tàu vào ngày 1/9 để đi tập trận trên biển Bột Hải, theo trang web wenweipo.com của Hong Kong. Sự hiện diện của tàu Sơn Đông trên biển Bột Hải đã được hình ảnh vệ tinh chụp lại vào ngày 3/9.
Đây là lần đầu tiên, hai tàu sân bay của Trung Quốc cùng lúc thực hiện sứ mệnh huấn luyện, kể từ khi tàu Sơn Đông được biên chế vào lực lượng hải quân Trung Quốc vào tháng 12/2019, theo Modern Ships.
Hiện quân đội Trung Quốc chưa lên tiếng xác nhận hoạt động chung của hai tàu sân bay, cũng như chi tiết sứ mệnh mà hai chiến hạm này thực hiện.
Còn theo wenweipo.com, tàu Sơn Đông khả năng thực hành hoạt động tích hợp với dàn chiến đấu cơ, còn Liêu Ninh chỉ diễn tập theo nội dung thường kỳ và di chuyển không cách quá xa căn cứ ở Thanh Đảo.
Tạp chí Modern Ships nhấn mạnh thêm, khả năng hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông sẽ lần đầu tiên thực hành diễn tập tác chiến theo nhóm, triển khai tập trận đối đầu hỗ trợ lẫn nhau hoặc hoạt động phối hợp tầm xa và cũng có thể là triển khai hoạt động theo hai nhóm tác chiến tàu sân bay biệt lập. Đây chính là cơ hội để hải quân Trung Quốc tích lũy kinh nghiệm trong hoạt động triển khai các tàu sân bay.
Chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu hôm 6/9, một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho hay, kể từ khi Trung Quốc đưa tàu sân bay thứ hai và là tàu sân bay nội địa đầu tiên Sơn Đông vào biên chế, việc hải quân Trung Quốc sở hữu năng lực triển khai đồng thời hai tàu sân bay chỉ còn là vấn đề thời gian.
So với hai nhóm tác chiến tàu sân bay tách biệt, việc hình thành bộ đôi tàu sân bay sẽ giúp hải quân Trung Quốc tăng cường đáng kể hiệu quả và năng lực chiến đấu mà cụ thể là hoạt động triển khai các chiến đấu cơ hoạt động trên tàu sân bay.
Chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh là ông Li Jie cho hay, hai tàu sân bay của Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng chủ lực để phô trương sức mạnh ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và thậm chí trên các tuyến đường biển chiến lược mà tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên đi lại.
Cũng theo ông Li, hai nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc có thể được dùng để siết chặt vòng vây đối với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh lâu nay chỉ xem là một tỉnh ly khai và sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập vào đại lục. Ngoài ra, bằng sức mạnh răn đe của lực lượng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26, quân đội Trung Quốc có thể ngăn chặn quân đội Mỹ can thiệp nếu không may bùng nổ xung đột quân sự giữa Trung – Đài. Ngoài ra, hai tàu sân bay Trung Quốc còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tuyến đường vận tải biển chủ chốt như eo biển Malacca.
Tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông tập trận
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông vào ngày 14/8.
Minh Thu (lược dịch)