Thêm máy bay Mỹ tới gần nơi quân đội Trung Quốc tập trận ở Biển Đông
Vào sáng nay (26/8), máy bay trinh sát RC-135S của Mỹ được xác định có mặt gần nơi quân đội Trung Quốc đang tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông.
Máy bay RC-135S xuất hiện chỉ sau một ngày trinh sát cơ U-2 của Mỹ bị Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc bay vào "vùng cấm bay" mà quân đội Trung Quốc thiết lập để tiến hành cuộc tập trận bắn đạn hôm 25/8.
Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định, sự xuất hiện của các máy bay trinh sát Mỹ gần nơi quân đội Trung Quốc tập trận là nhằm thu thập thông tin về năng lực của quân đội Trung Quốc. Song động thái này cũng làm dấy lên mối quan ngại về khả năng xảy ra va chạm giữa hai bên.
Thêm trinh sát cơ tầm gần RC-135S của Mỹ tới gần nơi quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. (Ảnh minh họa) |
Theo thông tin được Viện Sáng kiến Điều tra Tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) tại Bắc Kinh, trinh sát cơ tầm gần RC-135S của Mỹ đã bay qua Biển Đông vào sáng 26/8. Cụ thể, SCSPI cho biết máy bay RC-135S đã bay qua eo biển Ba Sĩ từ phía đông và hướng về phía tây nam vào Biển Đông, sau đó quay trở lại theo hướng tương tự. RC-135S được xác định có mặt gần nơi quân đội Trung Quốc đang tiến hành diễn tập ở bờ biển phía đông nam đảo Hải Nam.
Theo thông báo được Cục Hải sự Hải Nam công bố hôm 21/8, các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc được tiến hành ở ngoài khơi đảo Hài Nam từ ngày 24 – 29/8. Song thông báo này không cung cấp thêm bất cứ thông tin nào về nội dung đợt tập trận kéo dài một tuần này.
Các nhà quan sát thì cho rằng, việc Mỹ điều động RC-135S, máy bay trinh sát chuyên thu thập dữ liệu về các vụ phóng tên lửa đạn đạo và thông tin điện tử cho thấy, Mỹ tin rằng quân đội Trung Quốc sẽ phóng tên lửa đạn đạo chống hạm trong cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông.
Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông Fu Qianshao, chuyên gia hàng không quân sự Trung Quốc cho rằng, chức năng chính của máy bay RC-135S là phát hiện các tên lửa đạn đạo. Mỹ đã cho cải tiến trinh sát cơ RC-135S nhằm theo dõi chính xác quỹ đạo bay của tên lửa đạn đạo ở những nơi không có trạm quan sát dưới mặt đất. Ông Fu cũng cho biết, máy bay RC-135S không chỉ có khả năng giám sát các vụ thử tên lửa của Mỹ mà còn của các quốc gia khác.
Do đó, một quan chức Trung Quốc giấu tên cho hay, khả năng Mỹ nghĩ rằng quân đội Trung Quốc sẽ cho phóng các tên lửa đạn đạo chống hạm như DF-21D và DF-26, nên RC-135S đã được điều động lên đường để làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo.
Cũng theo vị quan chức Trung Quốc, tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26 lâu nay được xem là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các chiến hạm mà đặc biệt là tàu sân bay Mỹ. Hai tên lửa Trung Quốc đang khiến Mỹ thực sự quan ngại và mong muốn tìm ra cách đối phó.
Thậm chí, ông Fu cho hay Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu công nghệ phát triển các tên lửa đạn đạo chống hạm khiến Mỹ muốn tìm hiểm về năng lực của quân đội Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc thường tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo trong nội địa để tránh bị nước ngoài thu thập thông tin tình báo. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng từng triển khai rất nhiều cuộc tập trận khác nhau ở Biển Đông vì thế không chắc lần này sẽ cho phóng tên lửa đạn đạo chống hạm.
Theo ông Fu, nếu quân đội Trung Quốc không cho phóng tên lửa đạn đạo, máy bay RC-135S của Mỹ vẫn có thể tiến hành thu thập thông tin về những loại vũ khí và thiết bị khác của Trung Quốc.
Một số chuyên gia Trung Quốc bày tỏ quan ngại về khả năng một máy bay quân sự nước ngoài bay qua khu vực tập trận bắn đạn thật có thể trở thành mục tiêu bị bắn. Nói cách khác, nếu máy bay Mỹ tiến vào vùng tập trận của quân đội Trung Quốc, không loại trừ khả năng máy bay có thể bị bắn nhầm.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ sự xuất hiện của trinh sát cơ tầm cao U-2 của Mỹ gần nơi Chiến khu Bắc Bộ của quân đội Trung Quốc tập trận hôm 25/8.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian, động thái của Mỹ đã vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển và trên không giữa quân đội Mỹ - Trung cũng như các quy định quốc tế liên quan và có thể gây ra hiểu nhầm hoặc dẫn tới va chạm bất ngờ.
Về phần mình, quân đội Mỹ cho biết chuyến bay của trinh sát cơ U-2 được thực hiện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mỹ khẳng định chuyến bay “tuân thủ các quy định và luật lệ quốc tế”.
“Lực lượng không quân Thái Bình Dương sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép và thời gian cũng như cường độ do chúng tôi lựa chọn”, quân đội Mỹ tuyên bố.
Trinh sát cơ U-2 của Mỹ có thể bay trên độ cao 70.000 feet và tiến hành hoạt động trinh sát từ xa mà không cần phải bay vào vùng cấm bay để thực hiện nhiệm vụ.
Trong khi Trung Quốc không nói chính xác địa điểm xảy ra vụ việc, nhưng thời gian gần đây, quân đội Trung Quốc đang cho triển khai các đợt tập trận ở vịnh Bột Hải cũng như trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong nhiều năm qua, Mỹ liên tiếp đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn cho tăng cường tiến hành tập trận và triển khai tuần tra nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông tập trận
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông vào ngày 14/8.
Minh Thu (lược dịch)