Hải Dương: Dạy nghề đã gắn với tạo việc làm
Cơ sở may Quang Hưởng của gia đình anh Phạm Quang Hưởng ở thôn Kiêm Tân, xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) được thành lập từ năm 2010. Cuối năm này, anh Hưởng đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm (Hội Nông dân tỉnh) mở lớp dạy nghề may công nghiệp. Đến cuối năm 2012, cơ sở may Quang Hưởng mở được 4 lớp dạy nghề may cho 140 lao động. Anh Hưởng cho biết: Sau khi học nghề xong có tới 90% số lao động có việc làm. Trong đó, 65% số lao động làm ở Công ty May SSV (Gia Lộc) và Công ty May Việt - Hàn (TP Hải Dương). Còn cơ sở sản xuất của tôi tạo việc làm cho 25% số lao động. Nhìn chung, lao động học nghề xong đều đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất”.
Chị Nguyễn Thị Tơ, 46 tuổi, ở thôn Kiêm Tân, xã Quảng Nghiệp phấn khởi cho biết: "Trước đây, tôi phải đi làm thuê khắp nơi, công việc không ổn định, không có điều kiện chăm sóc nuôi dạy con cái. Từ khi học nghề và làm việc tại xưởng của gia đình anh Hưởng, tôi vừa có thu nhập ổn định lại có điều kiện nuôi dạy con cái tốt hơn, làm được nhiều việc nhà hơn".
Anh Nguyễn Ngọc Tuyến, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm (Hội Nông dân tỉnh) cho biết: Trong 3 năm qua, trung tâm phối hợp với các địa phương, các cơ sở sản xuất tổ chức 96 lớp dạy nghề cho 3.089 lao động nông thôn (LĐNT), tập trung vào các nghề trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, may công nghiệp. Đối với nghề nông nghiệp, đa số học viên sau khi học nghề có kiến thức, kỹ thuật đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, góp phần phát triển kinh tế hộ. Đối với nghề phi nông nghiệp, học viên sau khi học xong nghề được trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp hoặc trực tiếp mở xưởng sản xuất tại gia đình; tư vấn giúp lao động có tay nghề đi xuất khẩu lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo của trung tâm đạt gần 80%".
Trung tâm Dịch vụ việc làm 8 - 3 cũng là một đơn vị tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn khá hiệu quả. Ông Phạm Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm 8 - 3 cho biết: Đối với những lao động nữ trẻ, sau khi học nghề xong, trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn, tạo cơ hội cho họ vào làm việc. Còn những lao động lớn tuổi, trung tâm phối hợp với các cơ sở sản xuất ở các địa phương để tạo việc làm tại chỗ cho họ. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ người học nghề mở cơ sở sản xuất. 3 năm qua, trung tâm đã dạy nghề cho hơn 4.100 lao động, trong đó từ 60 - 70 % số lao động học xong có việc làm”.
Theo ông Bùi Văn Yên, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh) cho biết: "Toàn tỉnh có hơn 20 cơ sở được sở ký hợp đồng dạy nghề cho LĐNT. Từ khi thực hiện Đề án 1956, các cơ sở đã mở gần 830 lớp dạy nghề cho hơn 29 nghìn lao động, gắn dạy nghề với tư vấn, giới thiệu việc làm nên số lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 75%".
Theo đề án, giai đoạn từ 2011 - 2015, tỉnh ta phấn đấu đào tạo nghề cho 62.500 LĐNT, trong đó có 20 nghìn người học nghề nông nghiệp, 42.500 học nghề phi nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung củng cố mạng lưới, nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề, đa dạng hóa các hoạt động dạy nghề, truyền nghề, khuyến khích các doanh nghiệp, các HTX, các cá nhân có khả năng dạy nghề đều được tham gia dạy nghề. Khuyến khích dạy nghề tại chỗ, dạy nghề lưu động. Thường xuyên yêu cầu các cơ sở tổ chức dạy nghề phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp và quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động. Tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; gắn công tác dạy nghề cho LĐNT với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác dạy nghề, có biện pháp chấn chỉnh những sai phạm, bất cập.